Cuộc đấu tranh giữa người Ả Rập và người Do Thái về quyền sở hữu Đất Thánh đã có từ hơn một thế kỷ trước và đã gây ra bảy cuộc chiến tranh lớn. Cuộc chiến tranh mới nhất nổ ra vào ngày 7/10/2023 khi nhóm Hồi giáo Palestine Hamas với mục đích tiêu diệt Israel, vốn bị Mỹ và Liên minh châu Âu coi là tổ chức khủng bố, đã tấn công miền nam Israel từ Dải Gaza, giết chết 1.300 người ở các thị trấn, Kibbutzim (những cộng đồng kinh tế – xã hội trong nông nghiệp), các căn cứ quân đội và một lễ hội âm nhạc trên sa mạc. Hơn 1.500 người đã thiệt mạng trong các cuộc trả đũa của Israel.
- Nguồn gốc của xung đột là gì?
Người Ả Rập và người Do Thái sống ở Đất Thánh được cai trị bởi Đế chế Ottoman cho đến khi kết thúc Thế chiến thứ nhất, khi đó Vương quốc Anh là một trong những quốc gia giành chiến thắng trong cuộc chiến lên nắm quyền. Trong thời kỳ này, số lượng người Do Thái nhập cư từ châu Âu đến nơi được gọi là lãnh thổ ủy trị Palestine đã tăng lên đáng kể, đặc biệt là vào những năm 1930 do Đức Quốc xã đàn áp người Do Thái. Sự phản đối việc nhập cư của người Do Thái và chủ nghĩa dân tộc ngày càng gia tăng của người Ả Rập đã dẫn đến một cuộc nổi dậy vào cuối những năm 1930. Với nỗ lực ngăn chặn bạo lực giữa người Ả Rập và người Do Thái, một ủy ban của nước Anh đã đề nghị chia Palestine thành hai quốc gia, một quốc gia của người Ả Rập và một quốc gia của người Do Thái vào năm 1937. Sau đó, vào năm 1947, Liên Hợp Quốc đã đưa ra một kế hoạch phân chia khác. Người Ả Rập bác bỏ cả hai kế hoạch, dẫn đến tuyên bố độc lập của Israel vào năm 1948 và cuộc chiến tranh đầu tiên giữa Ả Rập-Israel. Thời kỳ đó đã gây ra hơn nửa triệu người Ả Rập tị nạn.
2. Người Palestine là ai?
Trong cuộc chiến năm 1967, Israel đã chiếm được các vùng lãnh thổ Ả Rập khác, Dải Gaza từ Ai Cập và Bờ Tây từ Jordan. Cuộc chiến này đã khiến người dân của những khu vực đó, được gọi là người Palestine, dưới sự chiếm đóng của quân đội, điều này làm gia tăng chủ nghĩa dân tộc trong họ.
3. Hamas là gì?
Đây là từ viết tắt của tiếng Ả Rập cho Phong trào Kháng chiến Hồi giáo, Hamas được thành lập vào năm 1987 trong cuộc nổi dậy đầu tiên của người Palestine chống lại sự chiếm đóng của Israel. Đó là một nhánh của Tổ chức Anh em Hồi giáo ở Ai Cập, một phong trào tôn giáo, xã hội và chính trị Hồi giáo. Ban đầu nó trở nên phổ biến đối với người Palestine bằng cách thiết lập một mạng lưới các tổ chức từ thiện nhằm giải quyết vấn đề nghèo đói cũng như các nhu cầu về giáo dục và chăm sóc sức khỏe. Sau đó nó nổi tiếng với một chiến dịch đánh bom liều chết và các cuộc tấn công khác nhằm vào người Israel.
4. Hamas muốn gì?
Mục tiêu chính của Hamas, như được nêu rõ trong hiến chương sửa đổi ban hành năm 2017, là tiêu diệt nhà nước Israel. Tài liệu mô tả rằng toàn bộ Đất Thánh là “vùng đất Hồi giáo Ả Rập” và nói rằng Hamas từ chối bất kỳ đề nghị nào ngoại trừ “giải phóng hoàn toàn” cho khu vực đó. Theo điều lệ sửa đổi, xung đột của nhóm là với “dự án Chủ nghĩa Phục quốc Do Thái”, chứ không phải với người Do Thái. Hiến chương ban đầu của Hamas viết: “Ngày phán xét sẽ không xảy ra cho đến khi người Hồi giáo chiến đấu và giết chết người Do Thái”. Tài liệu mới hơn nói rằng “chống lại sự chiếm đóng bằng mọi biện pháp và cách thức là quyền hợp pháp được bảo đảm bởi luật thiêng liêng”. Một cuộc thăm dò đầu tháng 9/2017 ở Dải Gaza và Bờ Tây cho thấy rằng, nếu được lựa chọn trong các cuộc bầu cử lập pháp, 34% người Palestine sẽ bỏ phiếu cho Hamas, so với 36% người sẽ bầu cho Fatah, phe chính của Tổ chức Giải phóng Palestine thế tục (PLO) (Thế tục là trạng thái trung lập, trong đó chủ thể tách biệt khỏi tôn giáo. Không liên kết ủng hộ và cũng không liên kết chống đối bất kỳ giáo phái nào), nhóm du kích trước đây đã làm hòa với Israel vào năm 1993.
5. Người theo chủ nghĩa Phục quốc Do Thái là ai?
Phong trào Chủ nghĩa Phục quốc Do Thái, bắt nguồn từ châu Âu cuối thế kỷ 19 nhằm phản đối chủ nghĩa bài Do Thái, đã ủng hộ việc thành lập quê hương cho người Do Thái trên quê hương xa xưa của họ. Nó được đặt tên theo một ngọn đồi ở Jerusalem có tên trong Cựu Ước. Vì phong trào đã đạt được mục tiêu nên ngày nay người theo chủ nghĩa Phục quốc Do Thái là những người ủng hộ sự phát triển và bảo vệ nhà nước Israel.
6. Dải Gaza là gì?
Dải Gaza là một vùng đất nhỏ – bao quanh bởi Israel, Ai Cập và Biển Địa Trung Hải – nơi 2 triệu người Palestine sống trong điều kiện đông đúc và nghèo khó, hầu hết là người tị nạn. Trong khoảng một thập kỷ, Gaza được quản lý bởi Chính quyền Palestine, cơ quan chịu trách nhiệm về quyền tự trị hạn chế đối với người Palestine theo hiệp định hòa bình Oslo được Israel và PLO ký kết. Năm 2005, Israel rút quân khỏi Gaza và từ bỏ các khu định cư của công dân Israel ở đó. Trong cuộc bầu cử lập pháp của người Palestine vào năm sau, Hamas đã đánh bại phe Fatah của PLO, phe thống trị Chính quyền Palestine. Sau nhiều tháng giao tranh giữa hai nhóm, Hamas đã nắm quyền kiểm soát Gaza vào năm 2007. Israel duy trì quyền kiểm soát không phận và lãnh thổ hàng hải của Gaza, đồng thời cùng với Ai Cập từ lâu đã thực thi lệnh phong tỏa lãnh thổ này.
7. Tại sao có nhiều người tị nạn ở Gaza?
Cuộc chiến tranh Ả Rập-Israel năm 1948 và hậu quả của nó đã tạo ra hơn nửa triệu người tị nạn Palestine, nhiều người trong số họ đã trốn sang Gaza. Con cháu của họ ngày nay được coi là người tị nạn vì chưa tìm ra giải pháp lâu dài nào. Người Palestine lập luận rằng ngoài hàng nghìn người tị nạn ban đầu vẫn còn sống, thì khoảng 5 triệu con cháu của họ – ở Gaza, Bờ Tây và nước ngoài – được hưởng “quyền trở về” Israel. Các quan chức Israel không đồng ý. Họ lo ngại rằng với làn sóng tràn vào như vậy, cùng với gần 2 triệu người Ả Rập đã là công dân Israel, 6,7 triệu người Do Thái của đất nước này có thể trở nên đông hơn, làm thất bại mục đích thành lập một nhà nước Do Thái.
8. Tình hình ở Bờ Tây?
Bờ Tây là một vùng lãnh thổ không giáp biển phía tây sông Jordan, nơi có 3 triệu người Palestine sinh sống. Đây cũng là nơi sinh sống của khoảng 460.000 người Do Thái Israel sống trong các khu định cư. Một số người Israel lập luận rằng vì Bờ Tây – theo tên trong Kinh thánh là Judea và Samaria – theo lịch sử là một phần quê hương của người Do Thái, nên Israel nên sáp nhập nó. Chính quyền Palestine thực hiện quyền tự trị hạn chế ở Bờ Tây và Israel có quyền kiểm soát tổng thể ở đó, như được quy định trong hiệp định Oslo. Các thỏa thuận này nhằm thiết lập các thỏa thuận tạm thời trong khi hai bên đàm phán một thỏa thuận cuối cùng, có lẽ sẽ thành lập một nhà nước Palestine cùng với Israel.
9. Điều gì đã xảy ra với các cuộc đàm phán hòa bình?
Hai bên liên tục không giải quyết được các vấn đề cản trở thỏa thuận cuối cùng, bao gồm phân định biên giới ở đâu, chia sẻ Jerusalem như thế nào và tình trạng của người tị nạn Palestine. Vòng đàm phán cuối cùng đã thất bại vào năm 2014.
10. Kibbutz là gì?
Một số thị trấn mà các chiến binh Hamas tấn công là các cộng đồng Israel được gọi là kibbutzim, đây là danh từ số nhiều cho kibbutz trong tiếng do Thái, có nghĩa là tập hợp. Một hiện tượng độc đáo ở Israel, kibbutz là một cộng đồng tập thể, thường tham gia vào hoạt động nông nghiệp. Kibbutz đầu tiên được thành lập vào năm 1910 và ngày nay có khoảng 250 cơ sở. Các kibbutzim thời kỳ đầu là những thử nghiệm cấp tiến về chủ nghĩa quân bình, trong đó người dân tập hợp tất cả thu nhập và chia sẻ một cách công bằng, ăn tất cả các bữa ăn cùng nhau và đôi khi nuôi con trong nhà tập thể. Ngày nay, nhiều kibbutzim đã từ bỏ những tập tục đó, nhưng họ vẫn bảo tồn các yếu tố của cuộc sống cộng đồng.
11. Tại sao Mỹ ủng hộ Israel?
Kể từ Thế chiến II, Israel đã nhận được nhiều viện trợ của Mỹ hơn bất kỳ quốc gia nào khác – khoảng 158 tỷ USD hỗ trợ và tài trợ phòng thủ tên lửa. Trong hai thập kỷ đầu tiên sau khi ra đời vào năm 1948, Israel không phải là một đồng minh đặc biệt thân thiết của Mỹ. Mỹ kéo Israel lại gần một phần là kết quả của những tính toán trong Chiến tranh Lạnh, khi Liên Xô hỗ trợ các nước Ả Rập trong những năm 1960 và 1970. Vào thời điểm Liên Xô sụp đổ năm 1991, mối quan hệ Mỹ-Israel đã phát triển lên mức độ mới. Israel nhận được sự ủng hộ rộng rãi ở Mỹ. Khi chủ nghĩa bài Do Thái suy giảm, người Mỹ gốc Do thái đã thể hiện quan điểm thẳng thắn kỳ vọng Quốc hội và Nhà Trắng sẽ giữ chặt mối quan hệ với Israel. Những người theo đạo Tin lành cũng vậy, họ tin rằng sự tạo thành của Israel báo trước sự tái lâm của Chúa Kitô. Khuynh hướng Cộng hòa của họ đã ủng hộ Israel – ban đầu là chính nghĩa của Đảng Dân chủ do mối liên hệ của người Do Thái với đảng và khuynh hướng cánh tả ban đầu của Israel – lưỡng đảng. Cách mạng Hồi giáo Iran và các cuộc tấn công của người Hồi giáo vào các mục tiêu của Mỹ, bao gồm cả những mục tiêu vào ngày 11/9/2001, có xu hướng khiến người Mỹ không có thiện cảm với kẻ thù của Israel.
Nguồn: Bloomberg