Tập Cận Bình, (sinh ngày 15/06/1953, huyện Phú Bình, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc), là chính trị gia và quan chức chính phủ Trung Quốc, từng giữ chức Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (2008–2013), Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ; 2012– ), và Chủ tịch nước Trung Quốc (2013– ).
Thời niên thiếu
Tập Cận Bình là con trai của Tập Trọng Huân- người từng giữ chức Phó thủ tướng Trung Quốc và là đồng chí thời kỳ đầu của Mao Trạch Đông. Tuy nhiên, ông Tập Trọng Huân thường không được lòng Đảng và Chính phủ, đặc biệt là trước và trong Cách mạng Văn hóa (1966–1976) và sau khi ông công khai chỉ trích các hành động của Chính phủ trong sự kiện Thiên An Môn năm 1989. Tuổi thơ của Tập Cận Bình phần lớn được sống trong sự sang trọng ở khu dân cư dành cho giới tinh hoa cầm quyền Trung Quốc ở Bắc Kinh. Tuy nhiên, trong Cách mạng Văn hóa, vì ông Tập Trọng Huân bị thanh trừng và không được đề cao, Tập Cận Bình phải chuyển về sống ở nông thôn vào năm 1969 (vùng nông thôn tỉnh Thiểm Tây), ở đây, ông làm lao động chân tay ở một xã nông nghiệp trong sáu năm. Trong thời gian đó, ông đã phát triển mối quan hệ đặc biệt tốt đẹp với tầng lớp nông dân địa phương, điều này đã giúp củng cố uy tín của Tập Cận Bình trong việc thăng tiến trong hàng ngũ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc, giáo dục và hôn nhân
Năm 1974, ông Tập Cận Bình trở thành đảng viên chính thức, giữ chức Bí thư chi ủy và năm sau ông bắt đầu theo học tại Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, nơi ông học ngành kỹ thuật hóa học. Sau khi tốt nghiệp năm 1979, ông làm thư ký cho Cảnh Bưu, lúc đó là Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Quốc phòng trong chính quyền trung ương Trung Quốc trong ba năm.
Năm 1982, Tập Cận Bình từ bỏ chức vụ đó, ông rời Bắc Kinh và làm Phó Bí thư ĐCSTQ ở tỉnh Hà Bắc. Ông làm việc ở đó cho đến năm 1985, khi ông được bổ nhiệm làm Ủy viên Đảng ủy và Phó Thị trưởng Hạ Môn (Amoy) ở tỉnh Phúc Kiến. Khi sống ở Phúc Kiến, Tập Cận Bình kết hôn với ca sĩ hát dân gian nổi tiếng Bành Lệ Viện vào năm 1987. Ông tiếp tục thăng tiến và đến năm 1995, ông đã lên chức Phó Bí thư Tỉnh ủy.
Sự thăng tiến trong Đảng Cộng sản Trung Quốc
Năm 1999, ông Tập Cận Bình giữ quyền Chủ tịch tỉnh Phúc Kiến và trở thành Chủ tịch tỉnh vào năm sau. Một trong những mối quan tâm của ông với tư cách là người đứng đầu Phúc Kiến là vấn đề bảo vệ môi trường và hợp tác với Đài Loan. Ông giữ cả chức vụ Phó Bí thư và điều hành cho đến năm 2002, khi ông lại được thăng chức: năm đó đánh dấu việc ông chuyển đến tỉnh Chiết Giang, nơi ông giữ quyền Chủ tịch tỉnh và từ năm 2003 ông làm Bí thư Đảng ủy. Khi ở đây, ông tập trung vào việc tái cơ cấu cơ sở hạ tầng công nghiệp của tỉnh nhằm thúc đẩy phát triển bền vững.
Vận may của Tập Cận Bình đến vào đầu năm 2007 khi một vụ bê bối xung quanh giới lãnh đạo cấp cao Thượng Hải dẫn đến việc ông được đảm nhận chức Bí thư Thành ủy Thành phố. Người tiền nhiệm của ông ở vị trí này nằm trong số những người bị ảnh hưởng bởi kế hoạch quỹ hưu trí trên diện rộng. Trái ngược với người cha theo chủ nghĩa cải cách, Tập Cận Bình nổi tiếng là người thận trọng và tuân theo đường lối của Đảng, và với tư cách là Bí thư Thượng Hải, ông tập trung vào việc thúc đẩy sự ổn định và phục hồi hình ảnh tài chính của thành phố. Tuy nhiên, ông chỉ giữ chức vụ này trong một giai đoạn ngắn vì vào tháng 10/2007 ông được chọn là một trong chín Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị của ĐCSTQ, cơ quan cầm quyền cao nhất trong Đảng.
Với sự thăng tiến đó, Tập Cận Bình đã được đưa vào danh sách những người có khả năng kế nhiệm Hồ Cẩm Đào- Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc từ năm 2002 và Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa từ năm 2003. Địa vị của Tập Cận Bình trở nên chắc chắn hơn khi vào tháng 3/2008, ông được bầu làm Phó Chủ tịch nước Trung Quốc. Trong vai trò đó, ông tập trung vào các nỗ lực bảo tồn và cải thiện quan hệ quốc tế. Vào tháng 10/2010, Tập Cận Bình được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương (CMC)- một chức vụ từng do ông Hồ Cẩm Đào nắm giữ (từ năm 2004) và thường được coi là bước đệm quan trọng cho chức Chủ tịch nước. Vào tháng 11/2012, trong Đại hội Đảng lần thứ 18 của ĐCSTQ, Tập Cận Bình lại được bầu vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị (giảm xuống còn 7 ủy viên), và ông kế nhiệm ông Hồ Cẩm Đào làm Tổng Bí thư. Vào thời điểm đó, Hồ Cẩm Đào cũng nhường chiếc ghế CMC cho Tập Cận Bình. Ngày 14/03/2013, ông được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước Trung Quốc.
Hợp nhất quyền lực
Một số những sáng kiến đầu tiên của Tập Cận Bình là chiến dịch chống tham nhũng trên toàn quốc, chiến dịch này đã nhanh chóng loại bỏ hàng nghìn quan chức cấp cao và cấp thấp (cả “hổ” và “ruồi”). Tập Cận Bình cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của “pháp quyền”, kêu gọi tuân thủ hiến pháp Trung Quốc và chuyên nghiệp hóa hơn nữa ngành tư pháp như một phương tiện phát triển “chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc”. Dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình, Trung Quốc ngày càng quyết đoán hơn trong các vấn đề quốc tế, khẳng định yêu sách chủ quyền lãnh thổ đối với gần như toàn bộ Biển Đông bất chấp phán quyết bất lợi của Tòa án Trọng tài Thường trực ở The Hague và thúc đẩy sáng kiến “Một vành đai, Một con đường” cho các dự án thương mại, cơ sở hạ tầng và phát triển chung với các nước Đông Á, Trung Á và Châu Âu.
Ông Tập Cận Bình đã cố gắng củng cố quyền lực với tốc độ nhanh chóng trong nhiệm kỳ đầu tiên làm Chủ tịch nước Trung Quốc. Chiến dịch chống tham nhũng của ông vẫn tiếp tục thành công, với hơn một triệu quan chức tham nhũng bị trừng phạt vào cuối năm 2017; chiến dịch này cũng giúp loại bỏ nhiều đối thủ chính trị, củng cố hơn nữa những nỗ lực nhằm loại bỏ những người bất đồng chính kiến và củng cố quyền lực của ông. Vào tháng 10/2016, ĐCSTQ đã phong cho ông danh hiệu “lãnh đạo cốt lõi”- danh hiệu mà trước đây chỉ được trao cho những nhân vật có ảnh hưởng trong đảng như Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình và Giang Trạch Dân- danh hiệu ngay lập tức nâng cao tầm vóc của ông. Một năm sau, ĐCSTQ đã bỏ phiếu đưa tên và hệ tư tưởng của Tập Cận Bình (“Tư tưởng Tập Cận Bình về Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới”), được mô tả là “tư tưởng” trong Điều lệ Đảng- một vinh dự trước đây chỉ được trao cho Mao Trạch Đông. Hệ tư tưởng của Tập Cận Bình sau đó đã được ghi vào hiến pháp nước này bằng một bản sửa đổi được Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (NPC) thông qua vào tháng 3/2018. Trong cùng phiên họp lập pháp đó, NPC cũng đã thông qua các sửa đổi khác đối với hiến pháp, bao gồm một bản sửa đổi bãi bỏ giới hạn nhiệm kỳ đối với các chức vụ Chủ tịch và Phó chủ tịch; sự thay đổi này đã cho phép Tập Cận Bình tiếp tục nắm quyền sau năm 2023 – thời điểm ông phải từ chức. NPC cũng nhất trí bầu Tập Cận Bình làm Chủ tịch nước nhiệm kỳ thứ hai.
Quyền lực và sự ảnh hưởng của Tập Cận Bình được củng cố vào năm 2021 khi ĐCSTQ thông qua một Nghị quyết lịch sử vào tháng 11 nhằm xem xét “những thành tựu to lớn và kinh nghiệm lịch sử” của Đảng trong 100 năm qua cũng như các kế hoạch trong tương lai. Nghị quyết dành lời khen ngợi khả năng lãnh đạo của Tập Cận Bình; hơn một nửa tài liệu được dành cho những thành tựu dưới thời Tập Cận Bình trong 9 năm ông lãnh đạo Đảng, chẳng hạn như giảm nghèo và kiềm chế tham nhũng. Đây chỉ là nghị quyết thứ ba như vậy trong lịch sử Đảng (hai nghị quyết trước đó được thông qua dưới thời Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình) và nó đã nâng cao vị thế của Tập Cận Bình- đảm bảo rằng ông sẽ được coi là một nhân vật quan trọng trong lịch sử của ĐCSTQ.
Nguồn: Britannica