QUAN HỆ HOA KỲ-TRUNG QUỐC (1949-2023) – PHẦN CUỐI

GIAI ĐOẠN TỔNG THỐNG JOE BIDEN CẦM QUYỀN

Ngày 19/3/ 2021
Joe Biden duy trì thuế quan và các biện pháp cứng rắn khắc của Donald Trump

Cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa các quan chức hàng đầu của chính quyền Biden và các quan chức Trung Quốc, tại Anchorage, Alaska, đã phản ánh những bất đồng sâu sắc giữa hai bên và kết thúc mà không có tuyên bố chung. Trong những tháng sau khi cuộc họp diễn ra, chính quyền Biden tiếp tục một số chính sách của chính quyền Trump, mặc dù họ chú trọng hơn vào việc phối hợp hành động với các đồng minh. Hoa Kỳ duy trì thuế quan đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc, trừng phạt các quan chức Trung Quốc về các chính sách ở Hồng Kông và Tân Cương, đưa hàng chục công ty Trung Quốc vào danh sách đen và mở rộng lệnh cấm đầu tư của Hoa Kỳ vào các công ty Trung Quốc có quan hệ với quân đội dưới thời Trump. Trong bài phát biểu đầu tiên trước Quốc hội hồi tháng 4, Tổng thống Biden nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy đầu tư vào cơ sở hạ tầng và công nghệ của Hoa Kỳ để cạnh tranh với Trung Quốc.

Ngày 14/6/2021
Hoa Kỳ thúc giục, NATO tuyên bố Trung Quốc là “Thách thức an ninh”

Quân lính Trung Quốc tham gia tập trận quân sự vào tháng 5/2021

NATO, trong những năm gần đây đã tập trung vào việc ngăn chặn sự xâm lược và khủng bố của Nga, thì cũng đã đưa ra một thông cáo về việc mở rộng trọng tâm của liên minh bao gồm các mối đe dọa từ Trung Quốc như phát triển vũ khí hạt nhân và hiện đại hóa quân đội. Thông cáo khẳng định “Những tham vọng đã nêu và hành vi quyết đoán của Trung Quốc đặt ra những thách thức mang tính hệ thống đối với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và các lĩnh vực liên quan đến an ninh liên minh,”. Đây là lần đầu tiên một thông cáo của NATO đề cập đến các mối đe dọa từ Trung Quốc. Tuyên bố được đưa ra khi chính quyền Biden thúc đẩy các đồng minh cùng nhau đáp trả Trung Quốc.

Ngày 10/11/2021
Hợp tác về biến đổi khí hậu trong bối cảnh căng thẳng

Đặc phái viên về khí hậu của Hoa Kỳ John Kerry nói chuyện với người đồng cấp Trung Quốc, Giải Trấn Hoa, tại Hội nghị các bên của Liên Hợp Quốc (COP26) lần thứ 26 ở Glasgow

Hoa Kỳ và Trung Quốc, hai quốc gia phát thải khí nhà kính hàng đầu thế giới, ký một tuyên bố chung trong hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc tại Glasgow. Hai quốc gia đồng ý tăng cường hợp tác chống biến đổi khí hậu trong thập kỷ tới và hợp tác cùng nhau trong tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, phát triển các khuôn khổ pháp lý và triển khai các công nghệ như thu hồi carbon. Quan chức của Hoa Kỳ và Trung Quốc hoan nghênh thỏa thuận này, đặc phái viên về khí hậu của Trung Quốc-Giải Trấn Hoa nói: “Có nhiều thỏa thuận giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc hơn là sự bất đồng.”

Ngày 15/11/2021
Joe Biden, Tập Cận Bình thảo luận về “ranh giới” để tránh xung đột

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trò chuyện qua mạng

Cuộc họp chính thức đầu tiên của các nhà lãnh đạo kể từ khi Biden nhậm chức được tổ chức và kéo dài hơn ba giờ. Tương tự như cuộc gặp ở Alaska, các nhà lãnh đạo nêu lên các vấn đề bất đồng lâu nay, Biden nêu quan ngại về các vi phạm nhân quyền của Bắc Kinh và Tập Cận Bình nói rằng sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với Đài Loan giống như “đùa với lửa”. Không có bước đột phá lớn nào cũng không có tuyên bố chung được đưa ra, mặc dù Biden nói rằng họ thiết lập “ranh giới” để tránh xung đột và các chuyên gia cho rằng việc cuộc họp diễn ra là một bước tích cực.

Ngày 4/2/2022
Hoa Kỳ thực hiện tẩy chay ngoại giao đối với Thế vận hội Bắc Kinh

Các vận động viên Mỹ đi bộ trong lễ khai mạc Thế vận hội ở Bắc Kinh

Hoa Kỳ thực hiện tẩy chay ngoại giao đối với Thế vận hội Mùa đông ở Bắc Kinh, với lý do chính phủ Trung Quốc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương và các nơi khác. Một số ít quốc gia khác, bao gồm Úc, Canada và Vương quốc Anh, cũng từ chối cử quan chức tham dự Thế vận hội. Các quan chức Trung Quốc cho rằng Hoa Kỳ đang cố gắng “chính trị hóa thể thao, gây ra chia rẽ và kích động đối đầu”. Không có vận động viên nào biểu tình công khai trong thời gian diễn ra Thế vận hội, mặc dù một số người đã bỏ qua lễ khai mạc và lên tiếng phản đối những hành vi lạm dụng của Trung Quốc sau Thế vận hội.

Ngày 18/3/2022
Biden gây áp lực đối với Tập Cận Bình về cuộc chiến của Nga ở Ukraine

Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 2/2022

Vài ngày sau khi các quan chức Hoa Kỳ nói rằng Nga yêu cầu Trung Quốc hỗ trợ quân sự, Biden đã thực hiện một cuộc gọi video với Tập Cận Bình và đe dọa về “hậu quả” nếu Trung Quốc cung cấp hỗ trợ vật chất. Cuộc gọi này được thực hiện vài tuần sau khi Nga tấn công Ukraine; trong thời điểm đó, Trung Quốc từ chối lên án Tổng thống Nga Vladimir Putin về cuộc chiến và hậu quả của cuộc khủng hoảng nhân đạo. Các nhà ngoại giao Trung Quốc và các cơ quan truyền thông nhà nước đã nhắc lại thuyết âm mưu của Nga rằng Hoa Kỳ đang tài trợ cho các phòng thí nghiệm vũ khí sinh học ở Ukraine. Trong cuộc gọi, Biden đưa ra các biện pháp trừng phạt và các nỗ lực khác, được phối hợp với các đồng minh để trừng phạt Nga. Tập Cận Bình chỉ trích các biện pháp trừng phạt và cho rằng những biện pháp này “sẽ chỉ khiến mọi người đau khổ.” Cả hai nhà lãnh đạo bày tỏ sự ủng hộ đối với các cuộc đàm phán hòa bình.

Ngày 26/5/2022
Chiến lược của Joe Biden nhằm khôi phục khả năng cạnh tranh của Hoa Kỳ

Trong một bài phát biểu được chờ đợi từ lâu, Ngoại trưởng Antony Blinken nhấn mạnh tầm quan trọng của việc củng cố khả năng cạnh tranh của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc. Ông gọi Trung Quốc là “thách thức dài hạn nghiêm trọng nhất đối với trật tự quốc tế” và nói rằng có sự đối lập giữa chủ nghĩa chuyên chế của Trung Quốc với các cam kết của Hoa Kỳ nhằm thúc đẩy dân chủ và nhân quyền, nhưng ông cũng nói rằng Washington quyết tâm tránh xung đột. Ba trụ cột trong chiến lược của chính quyền Biden là đầu tư vào công nghiệp, công nghệ và cơ sở hạ tầng trong nước; liên kết với các đồng minh và đối tác để chống lại sự gây hấn ngày càng gia tăng của Trung Quốc; và cạnh tranh với Trung Quốc trên toàn cầu. Bộ Ngoại giao Trung Quốc tố cáo bài phát biểu của Blinken là “thông tin sai lệch”, phản bác rằng Trung Quốc là “người bảo vệ trật tự quốc tế”.

Ngày 2/8/2022
Căng thẳng bùng lên sau chuyến thăm Đài Loan của Nancy Pelosi

Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi gặp Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn tại Đài Bắc, Đài Loan

Sau nhiều tháng các quan chức Trung Quốc cảnh báo Hoa Kỳ về việc tăng cường quan hệ với Đài Loan, Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi đã đến thăm Đài Bắc trong một chuyến đi mà bà nói là để thể hiện sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với hòn đảo này. Chuyến đi này đã khiến Bắc Kinh đình chỉ các cuộc đàm phán về khí hậu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, cắt đứt một số kênh liên lạc quân sự cấp cao và trừng phạt bà Pelosi. Quân đội Trung Quốc tiến hành các cuộc tập trận bắn đạn thật xung quanh hòn đảo, cuộc tập trận lần này quy mô lớn hơn so với các cuộc tập trận được tiến hành trong cuộc Khủng hoảng eo biển Đài Loan gần đây nhất vào năm 1996. Trung Quốc cũng phóng tên lửa đạn đạo qua hòn đảo, một số tên lửa rơi vào vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản và máy bay Trung Quốc qua đường trung tuyến giữa Trung Quốc đại lục và Đài Loan. Nhóm Bảy nước (G7) phản đối “hoạt động quân sự gây hấn” của Trung Quốc, cho rằng hành động này có nguy cơ gây bất ổn cho khu vực. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đổ lỗi cho Hoa Kỳ về những căng thẳng, trong khi Tổng thống Đài Loan Thái Văn Anh nói rằng phản ứng của Trung Quốc làm xấu đi mối quan hệ hiện tại.

Ngày 7/10/2022
Các hạn chế của Hoa Kỳ gây sốc cho ngành công nghiệp chip của Trung Quốc

Một nhân viên làm việc trên dây chuyền sản xuất tấm bán dẫn tại một nhà máy ở Hoài An, Trung Quốc

Bộ Thương mại Hoa Kỳ áp đặt các hạn chế đối với việc xuất khẩu chip máy tính tiên tiến do Hoa Kỳ sản xuất và thiết bị liên quan sang Trung Quốc. Các quan chức thương mại cho biết Trung Quốc đang sử dụng những mặt hàng này để “sản xuất các hệ thống quân sự tiên tiến” và “vi phạm nhân quyền”. Các công ty và cá nhân Hoa Kỳ muốn hỗ trợ sự phát triển chip của Trung Quốc thì hiện nay cần có sự chấp thuận của chính phủ Hoa Kỳ. Các hạn chế này cũng áp dụng cho các công ty nước ngoài sử dụng bất kỳ công cụ và phần mềm nào do Hoa Kỳ sản xuất. Các chuyên gia mong chờ rằng động thái này sẽ gây khó khăn cho ngành công nghiệp chip nội địa của Trung Quốc, đây là ngành công nghiệp vốn đã nhận được một lượng lớn tài trợ của chính phủ trong những năm gần đây nhưng vẫn thiếu khả năng sản xuất những con chip tiên tiến nhất. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng với các hạn chế này Hoa Kỳ “sẽ chỉ làm tổn thương và tự cô lập mình”.

Ngày 14/11/2022
Joe Biden, Tập Cận Bình tìm cách hàn gắn mối quan hệ

Joe Biden và Tập Cận Bình gặp nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 (G20) ở Bali, Indonesia.

Biden và Tập Cận Bình gặp mặt trực tiếp lần đầu tiên trong nhiệm kỳ tổng thống của Biden tại Indonesia. Cả hai nhà lãnh đạo bày tỏ mong muốn giảm bớt căng thẳng song phương và đồng ý mở lại các kênh liên lạc, bao gồm các cuộc đàm phán về khí hậu đã bị đình chỉ nhiều tháng trước đó. Biden nói rằng Hoa Kỳ sẽ “cạnh tranh mạnh mẽ” với Trung Quốc, nhưng Biden “không tìm kiếm xung đột”. Tập Cận Bình nói rằng hai quốc gia cần “tìm ra con đường đúng đắn để hòa hợp”, theo phần trình bày của Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Trong cuộc họp kéo dài ba giờ, các nhà lãnh đạo cũng thảo luận về cuộc chiến của Nga ở Ukraine. Theo phần trình bày của Hoa Kỳ, các nhà lãnh đạo bày tỏ sự phản đối việc sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine, trong khi phần trình bày của Trung Quốc không đề cập đến vũ khí hạt nhân. Biden nêu lên mối lo ngại về các hành vi vi phạm nhân quyền ở Tân Cương và sự gây hấn của Trung Quốc đối với Đài Loan, nhấn mạnh rằng chính sách của Hoa Kỳ đối với hòn đảo này không thay đổi.

Ngày 4/2/2023
Hoa Kỳ bắn hạ khinh khí cầu bị nghi là do thám của Trung Quốc

Một máy bay chiến đấu của Mỹ bay ngang qua khinh khí cầu nghi là do thám khi nó đang bay ngoài khơi bờ biển Nam Carolina, vào 04/02/2023

Tổng thống Biden ra lệnh cho Lực lượng Không quân Hoa Kỳ bắn hạ một khinh khí cầu do Trung Quốc điều hành ngoài khơi bờ biển phía đông nam Hoa Kỳ sau khi các quan chức an ninh nói rằng khinh khí cầu này đang do thám các địa điểm quân sự nhạy cảm. Trung Quốc gọi khinh khí cầu này là một phương tiện theo dõi thời tiết dân sự đã vô tình đi vào không phận của Hoa Kỳ. Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên án vụ bắn hạ này là “vi phạm nghiêm trọng thông lệ quốc tế” và khẳng định sẽ trả đũa. Vụ việc khiến chính quyền Biden phải hủy chuyến công du của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken tới Bắc Kinh, điều này làm dấy lên những lo ngại mới về mối quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc vốn đã căng thẳng do Hoa Kỳ ủng hộ Đài Loan và vấn đề xung đột thương mại.

Nguồn: Council on Foreign Relations