Karl Marx, người sinh vào ngày 5 tháng 5 năm 1818 tại Đức và qua đời vào ngày 14 tháng 3 năm 1883 tại Anh, là một trong những nhà triết học, nhà kinh tế học, nhà lý luận chính trị, nhà hoạt động cách mạng quan trọng nhất trong lịch sử. Công trình nổi tiếng nhất của Marx là “Tư Bản”, một tác phẩm lớn đặt nền móng cho học thuyết kinh tế chính trị Marxist và có sức ảnh hưởng sâu rộng đối với nền kinh tế và xã hội hiện đại.
Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 206 năm ngày sinh Karl Marx (05/5/1818 – 05/5/2024), hãy cùng chúng tôi tìm hiểu những nét nổi bật về nhà triết gia vĩ đại này nhé!
TUỔI THƠ, CON NGƯỜI, VÀ GIA ĐÌNH
Cách đây 206 năm, ngày 5/5/1818, Karl Marx được sinh ra trong một gia đình tại thành phố Trier cổ kính có bề dày gần hai ngàn năm lịch sử. Sinh ra trong một gia đình bình dân, gốc Do Thái, thời niên thiếu của Marx trải qua không mấy bằng phẳng nhưng cũng không kém phần thi vị do bối cảnh chính trị phức tạp ở Phổ thời đó. Dù hoàn cảnh gia đình khó khăn vì bố mẹ đông con, Karl Marx cùng với các anh chị em đã phải dành nhiều thời gian giúp đỡ gia đình mưu sinh kiếm sống. Tuy vậy, ngay từ thời niên thiếu, Marx đã kế thừa tinh thần hiếu học của người cha.
Karl Marx có mối tình sâu đậm với vợ là Jenny. Họ có một mối quan hệ đầy tình yêu và sự hiểu biết, đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống và sự nghiệp của Marx. Ông cũng được biết đến là một người cha hiền lành, đồng cảm và rộng lượng, dành thời gian và tình cảm cho gia đình mình, mặc dù ông thường xuyên phải đối mặt với nhiều khó khăn tài chính và căng thẳng trong cuộc sống.
Karl Marx có tình bạn vĩ đại với Engels. Lê-nin viết: “Chuyện cổ kể lại những tấm gương rất cảm động về tình bạn. Nhưng giai cấp vô sản châu Âu có thể nói rằng khoa học của mình đã do hai nhà bác học và chiến sĩ ấy sáng tạo ra, những quan hệ cá nhân giữa hai người đã vượt tất cả những chuyện cổ cảm động nhất của người xưa nói về tình bạn” (“Kỷ Niệm 205 Ngày sinh Karl Marx” – Đảng bộ trường Đại học Kinh tế -Luật).
SỰ NGHIỆP VĨ ĐẠI
Nhờ tinh thần ham học hỏi và tình yêu tri thức, Marx đã hoàn thành học vấn tại Đại học Bonn và sau đó là Đại học Berlin. Sau đó ông bắt đầu sự nghiệp của mình như là một nhà triết học và nhà kinh tế học. Ông đã dành nhiều năm để nghiên cứu về các vấn đề trên, đặc biệt là tại Đại học Berlin dưới sự ảnh hưởng của triết gia Hegel. Marx cũng tiếp xúc với các nhóm hoạt động xã hội ở Berlin, mở đầu cho sự quan tâm của ông đối với các vấn đề xã hội và chính trị.
Cùng với người bạn đồng hành lâu dài Friedrich Engels, Marx để lại di sản lý luận đồ sộ trong triết học, kinh tế chính trị, và chủ nghĩa xã hội khoa học. Đáng chú ý là ba đóng góp nổi bật: (1) Tìm ra quy luật phát triển của lịch sử loài người (Chủ nghĩa duy vật lịch sử – Triết học); (2) Tìm ra quy luật vận động riêng của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa hiện đại và của xã hội tư sản do phương thức đó đẻ ra – quy luật giá trị thặng dư (Học thuyết giá trị thặng dư – Kinh tế chính trị); (3) Tìm ra sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản (Chủ nghĩa xã hội khoa học). Các tác phẩm chính của Marx (một số tác phẩm viết chung với Engels) bao gồm “Tuyên ngôn của Đảng Cộng Sản” (1848) và bộ “Tư bản” (1867), Gia đình thần thánh (1844), Hệ tư tưởng Đức (1845 – 1846), Sự khốn cùng của Triết học (1847). Phê phán cương lĩnh Gotha (1875).
Marx không chỉ là một nhà triết học tài ba mà còn là một nhà hoạt động xã hội, luôn đấu tranh cho công bằng xã hội và quyền lợi của giai cấp lao động. Ông đã dành cuộc đời mình để nghiên cứu, viết lách và hoạt động để thúc đẩy sự thay đổi xã hội. Do đó, sự ảnh hưởng của ông đã lan rộng ra khắp thế giới, không chỉ trong lĩnh vực triết học và kinh tế học mà còn trong chính trị và xã hội. Ý tưởng Marx đã hình thành nền tảng cho nhiều phong trào xã hội và chính trị khắp thế giới, từ phong trào công nhân đến những nỗ lực giải phóng dân tộc.
SỰ ẢNH HƯỞNG CỦA MARX ĐẾN THẾ GIỚI NGÀY NAY
Đến ngày 14 tháng 3 năm 1883, Karl Marx đã ra đi khi còn ngồi trên chiếc ghế bành, trước bàn làm việc. Tuy nhiên những công trình nghiên cứu, tư tưởng và lý luận mà Karl Marx vẫn tác động mạnh mẽ đến sự phát triển chính trị, kinh tế – xã hội của thế giới.
Ngày 4/5/2018, phát biểu tại Đại lễ đường nhân dân Trung Quốc ở thủ đô Bắc Kinh trong lễ kỷ niệm 200 năm ngày sinh Karl Marx (5/5/1818 – 5/5/2018), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh: “Hai thế kỷ sau, bất chấp những thay đổi to lớn và sâu sắc trong xã hội loại người, tên tuổi Karl Marx vẫn được kính trọng trên toàn thế giới, và học thuyết của người vẫn soi rọi ánh sáng của sự thật”.
Cùng ngày 4/5/2018, phát biểu tại lễ khai trương buổi triển lãm về Karl Marx mang tên “Cuộc đời, Sự nghiệp và Thời đại”, do chính quyền bang Rhineland-Pfalz và chính quyền thành phố Trier tổ chức, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker khẳng định Karl Marx là nhà triết học có tầm “nhìn xa trông rộng”, các tác phẩm và học thuyết của ông, như Bộ “Tư bản” hay Tuyên ngôn Cộng sản đã làm thay đổi thế giới, là nguồn cảm hứng lớn lao cho nhân loại. Từ những tư tưởng của Marx, chúng ta có thể hiểu rõ hơn về quyền độc lập, tự do và giải phóng khỏi áp bức. (“Trung Quốc kỷ niệm 200 năm ngày sinh Karl Marx” – VTV.vn)
Tại quảng trường Cách mạng ở giữa trung tâm thủ đô Moscow, trải qua bao thăng trầm của lịch sử nước Nga, bức tượng của lãnh tụ giai cấp vô sản thế giới Karl Marx vẫn uy nghi như một biểu tượng. Bức tượng mãi mãi khắc ghi những cống hiến to lớn của Karl Marx, Người đã cùng Friedrich Engels xây dựng nên hệ thống lý luận cách mạng và khoa học, là kim chỉ nam, vũ khí tinh thần sắc bén, soi sáng sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới trong cuộc đấu tranh xóa bỏ áp bức, bóc lột.(Kỷ niệm 200 năm ngày sinh nhà triết học Karl Marx tại Nga – VTV.vn)
Chuyên ngành Kinh tế chính trị quốc tế ngày nay cũng “đứng trên vai người khổng lồ” Karl Marx. Các tác phẩm của Marx, đặc biệt là bộ “Tư Bản”, giúp hiểu sâu sắc hơn cấu trúc kinh tế chính trị của thế giới, nhờ đó giúp phát triển các lý thuyết Kinh tế chính trị quốc tế hiện đại.
Về hoạt động cách mạng thực tiễn, Marx cùng với Engels đóng vai trò quan trọng trong việc thành lập Quốc tế Cộng sản I – tổ chức quốc tế đầu tiên của giai cấp công nhân, được thành lập trên cơ sở chủ nghĩa xã hội khoa học. Dưới sự lãnh đạo của Marx và Engels, Quốc tế Cộng sản I đã khởi thảo những vấn đề cương lĩnh về chiến lược và sách lược của chính đảng, góp phần làm cho phong trào công nhân có bước chuyển biến mới, tiến tới thành lập những tổ chức công nhân có tính chất quần chúng (Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, 2018).