“Bài tổng hợp diễn biến chính của cuộc chiến Nga – Ukraine được dịch từ Republicworld, 2022. Nhóm tác giả không đồng tình, hay phản đối nội dung bài viết này. Bản dịch nhằm cung cấp thêm thông tin cho độc giả về cuộc chiến Nga – Ukraine hiện đang gây ảnh hưởng rất lớn tới tình hình kinh tế chính trị quốc tế trong thời đại ngày nay. Do trong bản gốc, nội dung được tổng hợp tới tháng 11/2022, để đem tới thông tin cập nhật nhất cho độc giả, nhóm tác giả đã bổ sung thông tin tình hình chiến sự của tháng 12/2022.”
Đã 10 tháng kể từ khi cuộc chiến Nga-Ukraine nổ ra, có thể nói đây là cuộc chiến lớn nhất ở lục địa châu Âu kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Châu Âu đã chứng kiến nhiều cuộc chiến khác sau chiến tranh thế giới thứ hai như: chiến tranh Kosovo, nội chiến Hy Lạp hay chiến tranh Bosnia. Tuy nhiên, xét về quy mô và sự tham gia trực tiếp của sức mạnh hạt nhân, thì không có cuộc chiến nào khốc liệt bằng cuộc chiến Nga-Ukraine.
Bối cảnh của cuộc chiến Nga – Ukraine bắt nguồn từ cuộc cách mạng Tháng Mười Nga, còn được gọi là cuộc cách mạng Bolshevik. Cuộc cách mạng này đã dẫn đến sự kết thúc của chế độ quân chủ chuyên chế ở Nga và sự hình thành của Liên Xô, dưới sự lãnh đạo của Vladimir Lenin. Đây là khoảng thời gian diễn ra Chiến tranh thế giới thứ nhất. Khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố ý định đưa quân vào Ukraine, ông đã đề cập đến một hiệp ước quan trọng được ký kết vào năm 1918 – hiệp ước Brest-Litovsk. Liên Xô đã ký hiệp ước này với phe Liên minh Trung tâm (Đế quốc Đức, Áo-Hungary, Bulgaria và Đế quốc Ottoman), theo đó Nga phải nhượng lại Ukraine, Phần Lan và các vùng lãnh thổ Baltic.
Vai trò của lịch sử trong cuộc chiến tranh
Trong một bài phát biểu trên truyền hình và truyền thông quốc tế, Tổng thống Putin đã cho rằng Vladimir Lenin có trách nhiệm về việc tách Ukraine khỏi Nga, ông cho rằng hiệp ước Brest-Litovsk là một sai lầm. Bối cảnh lịch sử này chính là một trong những nguyên nhân tại sao Nga đưa quân vào Ukraine. Năm ngoái, Tổng thống Nga đã viết một bài luận đưa ra cách nhìn của ông về lịch sử giữa Nga và Ukraine, cũng như vai trò của nó trong cuộc chiến hiện tại. “Sự lựa chọn tâm linh của Thánh Vladimir vẫn quyết định phần lớn mối quan hệ của chúng ta ngày nay. Ông viết, theo lời của Nhà tiên tri Oleg về Kyiv, ‘hãy để thành phố này là Mẹ của các thành phố Nga”.
Ngay sau bài phát biểu trên truyền hình của Tổng thống Putin vào ngày 24/2, việc đưa quân vào Ukraine được thực hiện khi quân đội Nga, đang tập trung gần biên giới Nga-Ukraine, di chuyển về phía Tây. Kể từ thời điểm đó, đã có rất nhiều thứ đã thay đổi. Thành phố Kherson là thủ phủ vùng duy nhất mà lực lượng Nga đã chiếm được kể từ sau chiến tranh và đến tháng 11/2022 lực lượng Nga đã rút lui khỏi thành phố Kherson chuyển sang phía Đông sông Dnipro để thiết lập một tuyến phòng thủ kiên cố, tận dụng các rào cản tự nhiên, ví dụ như các dòng sông. Quân đội Nga đang đào hào, dựng rào chắn ở phía Đông sông Dnipro với mục đích ngăn cản lực lượng Ukraine tiến sát bán đảo Crimea. Trong khi đó các cường quốc phương Tây, những người đang cung cấp vũ khí cho Ukraine cũng đang phải vật lộn với nguồn cung cạn kiệt.
Hãy cùng nhìn lại diễn biến tình hình chiến sự qua tóm tắt sau đây:
Tháng 2/2022 – Nga tấn công thủ đô Kyiv: Lực lượng Nga tiến vào Ukraine từ phía Bắc, nhằm giành quyền kiểm soát thủ đô Kyiv với ý định lật đổ chính phủ Ukraine. Tuy nhiên, trái với dự đoán của nhiều người, sự kháng cự của Ukraine đã chặn được Nga. Một số nhà phân tích không thân Nga cho rằng quân đội Nga đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về hậu cần.
Tháng 3/2022 – Nga tấn công thành phố Kherson: Lực lượng Nga tiến vào Ukraine từ phía Nam và kiểm soát thành phố Kherson. Mục tiêu là giành quyền kiểm soát bờ Biển Đen và biến Ukraine thành một quốc gia không giáp biển. Kể từ khi chiến sự xảy ra, thành phố Kherson đã trở thành thủ phủ vùng đầu tiên và duy nhất mà Nga kiểm soát được.
Tháng 4/2022 – Nga tấn công hai vùng Donetsk và Luhansk: Nga bắt đầu chiến dịch tấn công giành quyền kiểm soát Donetsk và Luhansk, đây là hai vùng lãnh thổ nằm ở miền Đông Ukraine (gọi chung là vùng Donbass). Hai vùng Donetsk và Luhansk đã tuyên bố tự trị từ năm 2014. Phần lớn người dân ở khu vực này là người Nga và Moscow tin rằng người dân ở hai khu vực này muốn gia nhập nước Nga. Ngoài ra, Nga tiến hành một cuộc tấn công bằng tên lửa vào cơ sở hạ tầng của Ukraine. Đó là cuộc tấn công vào nhà ga xe lửa ở thành phố Kramatorsk thuộc vùng Donetsk khiến 50 người dân thiệt mạng.
Tháng 5/2022 – Nga tấn công thành phố Mariupol: Lực lượng Nga bắt đầu chiến dịch giành quyền kiểm soát thành phố Mariupol. Thành phố này bị dội bom dữ dội và nhiều người dân bị thiệt mạng. Sau cuộc giao tranh tại khu vực đô thị khốc liệt ở Nhà máy gang thép Azovstal ở Mariupol thì những người lính Ukraine đã đầu hàng quân đội Nga.
Tháng 6/2022 – Ukraine giành lại quyền kiểm soát đảo Rắn: Sau nhiều lần tấn công của lực lượng Ukraine, quân đội Nga đã rút quân khỏi đảo Rắn ngày 30/6/2022. Đây là một hòn đảo nhỏ ở Biển Đen, gần thành phố cảng Odessa của Ukraine. Thành phố này là trung tâm công nghiệp quan trọng cung cấp khí neon (thành phần thiết yếu trong sản xuất chất bán dẫn) cho nhiều nước. Sau khi tái chiếm đảo Rắn, tinh thần của người Ukraine tăng cao.
Tháng 7/2022 – Nga chiếm được thành phố Lysychansk: Nga sử dụng pháo kích và không kích nhằm gây sức ép vào khu vực miền Đông Ukraine. Quân đội Nga đã chiếm được thành phố Lysychansk, đây thành phố cuối cùng ở vùng Luhansk nằm dưới sự kiểm soát của Ukraine. Quân đội Nga đã cố gắng giành quyền kiểm soát vùng Donbass nhưng gặp nhiều khó khăn.
Tháng 8/2022 – Ukraine phản công tại khu vực miền Nam và Đông Bắc: Lần đầu tiên Ukraine chuyển sang thế chủ động bằng việc khởi động chiến dịch phản công. Ban đầu Ukraine tiến hành cuộc phản công ở miền Nam xung quanh thành phố Kherson; tuy nhiên sau đó, lực lượng Ukraine đã phát động một cuộc phản công bất ngờ ở vùng Kharkiv thuộc Đông Bắc Ukraine. Bị tấn công bất ngờ, quân đội Nga dần rút lui khỏi khu vực này.
Tháng 9/2022 – Ukraine tái chiếm lãnh thổ ở vùng Kharkiv: Cuộc phản công bất ngờ của Ukraine vào vùng Kharkiv thành công. Các lực lượng Ukraine đã chiếm lại phần lớn lãnh thổ của vùng Kharkiv, bao gồm cả thành phố chiến lược Izyum, một trung tâm hậu cần quan trọng. Điều này đã gây ra sự hụt hẫng đối với những người Nga đang theo dõi cuộc chiến và họ bắt đầu chỉ trích quân đội. Vì vậy, Nga tiến hành lệnh động viên một phần nhằm tăng lực lượng quân đội tham gia tiền tuyến.
Tháng 10/2022 – Nga đánh bom nhiều thành phố nhằm phá hủy hạ tầng của Ukraine: Sau cuộc tấn công của quân đội Ukraine vào cây cầu nối giữa bán đảo Crimea và đất liền Nga, lực lượng Nga bắt đầu ném bom nhiều thành phố trên khắp Ukraine. Mục tiêu của các cuộc bắn phá là phá hủy cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine như lưới điện và các cơ sở dự trữ nước. Theo phân tích của giới tình báo phương tây, các lực lượng Nga phụ thuộc vào máy bay không người lái Shahed của Iran để thực hiện các cuộc tấn công.
Tháng 11/2022 – Nga bắt đầu rút lui khỏi thành phố Kherson: Trong một bài phát biểu trên truyền hình, Tướng Sergey Shoygu, Bộ trưởng Quốc phòng Nga, nói rằng việc bảo vệ tính mạng của binh lính Nga là rất quan trọng, đồng thời cho rằng việc phòng thủ trên lãnh thổ Kherson là không khả thi. Hiện tại, lực lượng Nga đang vào thế phòng thủ và có khả năng họ sẽ tiếp tục ở thế phòng thủ ít nhất là cho đến mùa đông năm nay. Một số báo cáo trên các ấn phẩm của Mỹ như Washington Post cho biết chính quyền Mỹ đang thúc giục Ukraine xem xét đàm phán với Nga.
Tháng 12/2022 – Chiến sự Nga-Ukraine vẫn tiếp tục diễn ra: Nga tiếp tục mở các cuộc tấn công ồ ạt tại các chiến trường ở Ukraine như: Dnipropetrovsk, Kherson, Zaporizhia, Donbass, Nikolayev… Ngày 21/12/2022, Tổng thống Ukraine Zelensky đã có chuyến công du đầu tiên tới Mỹ kể từ khi cuộc chiến giữa Nga và Ukraine diễn ra. Ông đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden và phát biểu tại Đồi Capitol. Mục tiêu chuyến thăm của ông Zelensky là kêu gọi Mỹ tiếp tục hỗ trợ vũ khí mạnh hơn nhằm tăng cường năng lực quân sự của Ukraine để có thể phát động các chiến dịch phản công lớn trong năm tới. Ngay sau đó, tại cuộc họp báo ở Điện Kremlin, Moscow ngày 22/12/2022 Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói mục tiêu của Nga không phải duy trì xung đột quân sự, trái lại, Nga mong muốn chấm dứt cuộc chiến này. Tuy nhiên, theo phía Ukraine và đồng minh lại cho rằng đây chỉ là cách thức kéo dài thời gian để chuẩn bị cho cuộc chiến tiếp theo.
Cuộc chiến giữa Nga-Ukraine ngày càng căng thẳng, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Liệu có lối thoát nào cho cuộc chiến này?
Nguồn: Republicworld, 2022