Vladimir Putin giữ chức tổng thống Nga từ năm 2000 đến năm 2008 và tái đắc cử tổng thống năm 2012. Trước đó, ông từng giữ chức thủ tướng Nga.
Vladimir Putin là ai?
Năm 1999, tổng thống Nga Boris Yeltsin cách chức thủ tướng và bổ nhiệm cho cựu sĩ quan KGB (Ủy ban An ninh quốc gia) – Vladimir Putin làm thủ tướng. Tháng 12/1999, Yeltsin từ chức, bổ nhiệm Putin làm tổng thống, và ông tái đắc cử vào năm 2004. Tháng 4/2005, ông thực hiện chuyến thăm lịch sử tới Israel – chuyến công du đầu tiên của một nhà lãnh đạo Điện Kremlin. Putin không thể tái tranh cử tổng thống vào năm 2008, nhưng được bổ nhiệm làm thủ tướng bởi người kế nhiệm, Dmitry Medvedev. Putin tái đắc cử tổng thống vào tháng 3/2012 và sau đó nhậm chức Tổng thống Nga nhiệm kỳ thứ tư. Năm 2014, ông đã được đề cử giải Nobel Hòa bình.

Cuộc đời và sự nghiệp chính trị
Vladimir Vladimirovich Putin sinh ngày 7/10/1952 tại Leningrad (nay là St. Petersburg), Nga. Ông lớn lên cùng gia đình trong một căn hộ chung cư, theo học trường trung học và trường ngữ pháp địa phương, ở đây, ông bắt đầu quan tâm đến thể thao. Sau khi tốt nghiệp ngành Luật của Đại học bang Leningrad năm 1975, Putin bắt đầu sự nghiệp trong KGB với tư cách là một sĩ quan tình báo. Đóng quân chủ yếu ở Đông Đức, ông giữ chức vụ đó cho đến năm 1990, nghỉ hưu với quân hàm trung tá.
Khi trở về Nga, Putin giữ một vị trí hành chính tại Đại học Leningrad, và sau khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ vào năm 1991, ông trở thành cố vấn cho chính trị gia tự do, Anatoly Sobchak. Khi Sobchak được bầu làm thị trưởng Leningrad vào cuối năm đó, Putin trở thành người đứng đầu bộ phận đối ngoại, và đến năm 1994, Putin trở thành phó thị trưởng đầu tiên của Sobchak.
Sau thất bại của Sobchak năm 1996, Putin từ chức và chuyển đến Moscow. Ở đây, năm 1998, Putin được bổ nhiệm làm phó trưởng ban quản lý dưới chính quyền của tổng thống Boris Yeltsin. Khi giữ chức vụ này, ông phụ trách các mối quan hệ của Điện Kremlin với các chính quyền trong khu vực.

Ngay sau đó, Putin được bổ nhiệm làm người đứng đầu Cơ quan An ninh Liên bang, một nhánh của KGB trước đây, đồng thời là người đứng đầu Hội đồng Bảo an của Yeltsin. Vào tháng 8/1999, Yeltsin cách chức thủ tướng Sergey Stapashin cùng với nội các và thăng chức cho Putin để giữ vị trí này.
Tổng thống Nga: Nhiệm kỳ thứ nhất và thứ hai
Tháng 12/1999, Boris Yeltsin từ chức tổng thống Nga và đề cử Putin tạm kế nhiệm tổng thống cho đến khi các cuộc bầu cử chính thức được tổ chức vào tháng 3/2000, Putin đã đắc cử nhiệm kỳ đầu tiên với 53% phiếu bầu. Với lời hứa cải cách cả chính trị và kinh tế, Putin bắt đầu tái cấu trúc chính phủ và mở các cuộc điều tra hình sự về các giao dịch kinh doanh của các công dân Nga có tiếng. Ông cũng tiếp tục chiến dịch quân sự của Nga ở Chechnya.
Tháng 9/2001, để đối phó với các cuộc tấn công khủng bố vào Hoa Kỳ, Putin tuyên bố Nga ủng hộ Hoa Kỳ trong chiến dịch chống khủng bố. Tuy nhiên, khi “chiến tranh chống khủng bố” của Hoa Kỳ chuyển trọng tâm sang việc lật đổ nhà lãnh đạo Iraq Saddam Hussein, Putin đã cùng với Thủ tướng Đức Gerhard Schröder và Tổng thống Pháp Jacques Chirac phản đối kế hoạch này.

Năm 2004, Putin tái đắc cử tổng thống và tháng 4/ 2005, ông đã thực hiện chuyến thăm lịch sử tới Israel để hội đàm với Thủ tướng Ariel Sharon – đây là chuyến công du đầu tiên đến Israel của một nhà lãnh đạo Điện Kremlin.
Do giới hạn nhiệm kỳ tổng thống của hiến pháp, Putin đã không thể tranh cử tổng thống vào năm 2008. (Cùng năm đó, nhiệm kỳ tổng thống ở Nga được kéo dài từ 4 lên 6 năm.) Tuy nhiên, tháng 3/2008, khi người được Putin ủng hộ, Dmitry Medvedev kế nhiệm làm tổng thống, Dmitry ngay lập tức bổ nhiệm Putin làm thủ tướng Nga, cho phép Putin duy trì vị trí ảnh hưởng quan trọng trong 4 năm tới.

Nhiệm kỳ thứ ba với tư cách là tổng thống
Ngày 4/3/2012, Vladimir Putin tái đắc cử tổng thống nhiệm kỳ thứ ba. Sau các cuộc biểu tình lan rộng và những cáo buộc gian lận bầu cử, ông nhậm chức vào ngày 7/5/2012 và ngay sau khi nhậm chức đã bổ nhiệm Medvedev làm thủ tướng. Một lần nữa nắm quyền, Putin tiếp tục thực hiện những thay đổi gây tranh cãi đối với các vấn đề đối nội và chính sách đối ngoại của Nga.
Tháng 12/2012, Putin đã ký ban hành luật cấm việc Hoa Kỳ nhận trẻ em Nga làm con nuôi. Theo Putin, đạo luật – có hiệu lực từ 01/01/2013 – mục đích giúp người Nga dễ dàng nhận nuôi trẻ mồ côi bản địa hơn. Tuy nhiên, lệnh cấm nhận con nuôi đã gây ra tranh cãi quốc tế, khiến gần 50 trẻ em Nga – đang trong giai đoạn cuối cùng của việc nhận con nuôi với công dân Hoa Kỳ vào thời điểm Putin ký luật – rơi vào trong tình trạng pháp lý không rõ ràng.

Putin tiếp tục làm tăng căng thẳng trong quan hệ với Hoa Kỳ vào năm sau khi ông cho phép Edward Snowden làm người tị nạn ở Nga, người đang bị Hoa Kỳ truy nã vì làm rò rỉ thông tin mật từ Cơ quan An ninh Quốc gia. Để đối phó với hành động của Putin, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã hủy bỏ một cuộc gặp đã lên kế hoạch với Putin vào tháng 8 năm đó.

Khoảng thời gian này, Putin cũng khiến nhiều người khó chịu với luật mới về chống đồng tính. Ông quy định việc nhận con nuôi của các cặp đồng tính nam ở Nga là bất hợp pháp và ra lệnh cấm tuyên truyền các mối quan hệ tình dục “phi truyền thống” với trẻ vị thành niên. Điều luật này đã dẫn đến việc lan rộng các cuộc biểu tình quốc tế.
Nguồn: BIOGRAPHY