Toạ đàm “Ứng dụng Tâm ký học trong hoạt động giảng dạy và học tập tại Trường Đại học Ngoại thương

Screenshot

Ngày 24/3/2025, tại phòng A1001 trường Đại học Ngoại thương, buổi Tọa đàm “Ứng dụng Tâm lý học trong hoạt động giảng dạy và học tập tại trường Đại học Ngoại thương” đã diễn ra thành công tốt đẹp. Sự kiện có sự góp mặt của:
PGS,TS. Trịnh Thị Linh – Trường Khoa Tâm lý học Trường Đại học KHXH & NV, ĐHQG Hà Nội;
Về phía Khoa KHCT & NV, có sự hiệu diện của TS. Thân Thị Hạnh – Trưởng khoa; TS. Vũ Thị Quế Anh – Phó trưởng khoa, cùng đông đảo giảng viên Khoa Khoa học Chính trị và Nhân văn; Sinh viên K62 KTCTQT.


Phát biểu khai mạc Tọa đàm, TS. Thân Thị Hạnh nhấn mạnh tầm quan trọng của Tâm lý học, đó là: “Hành trình phát triển của con người là quá trình không ngừng mở rộng sự hiểu biết về thế giới, đồng thời là quá trình khám phá và định vị bản thân.” Và đối với sinh viên ngành Kinh tế Chính trị Quốc tế, những người sẽ làm việc trực tiếp với con người, việc thấu hiểu tâm lý học là vô cùng cần thiết. Nó giúp các bạn sinh viên không chỉ hiểu rõ chính mình mà còn thấu hiểu người khác, từ đó nắm bắt được những động lực và quy luật vận động của xã hội.
Phân nội dung chính của Tọa đàm được bắt đầu với bài tham luận của PGS,TS. Trịnh Thị Linh, với chủ đề: ” Ứng dụng Tâm lý học trong giảng dạy và học tập tại Trường Đại học Ngoại thương”


PSG.TS Trịnh Thị Linh nhấn mạnh, dưới góc nhìn Tâm lý học, người học, đặc biệt là sinh viên đại học, là những cá nhân đang trải qua giai đoạn phát triển tâm lý quan trọng, với những nhu cầu, mong muốn và áp lực học tập, xã hội đặc thù. Để hỗ trợ hiệu quả, giáo viên cần thấu hiểu những đặc điểm này, không chỉ đơn thuần truyền đạt kiến thức mà còn đồng hành, tạo môi trường học tập tích cực, nơi sinh viên có thể phát huy tiềm năng. Điều này đòi hỏi giáo viên phải nhận diện điểm mạnh, điểm yếu của từng cá nhân, áp dụng phương pháp giảng dạy đa dạng, phù hợp.
Các bạn sinh viên cũng cần phải xác định được phong cách học tập của mình, dựa trên những mô hình VARK (Visual, Auditory, Reading/Writing, Kinesthetic) và phong cách học tập Kolb, để đáp ứng nhu cầu học tập khác nhau. Quan trọng hơn, giáo viên cần giúp sinh viên tự nhận thức về bản thân, trả lời những câu hỏi như “Mình có đam mê, có hứng thú với môn học này không” và xác định phong cách học tập phù hợp, từ đó lựa chọn phương pháp học tập hiệu quả nhất.
Bên cạnh đó, PSG.TS Trịnh Thị Linh còn đưa ra vấn đề về động lực học tập, một yếu tố đóng vai trò then chốt trong việc giảng dạy và học tập hiệu quả. Để phát huy điều này, giảng viên cần tạo ra động lực nội sinh, khơi gợi sự hứng thú và tò mò ở người học. Áp dụng các phương pháp giảng dạy dựa trên thuyết kiến tạo, đồng thời xây dựng mối quan hệ thầy trò gắn bó dựa trên lý thuyết quy gán và hiệu ứng Pygmalion, sẽ giúp tạo ra môi trường học tập hiệu quả, nơi người học được khuyến khích khám phá và phát triển bản thân.


Tiếp tục Chương trình, TS. Nguyễn Mai Phương, Trưởng Bộ môn Khoa học Nhân văn và Hành vi, Khoa KHCT và Nhân văn, trường Đại học Ngoại thương, đã trình bày tham luận: “Một số khó khăn tâm lý trong hoạt động học tập của sinh viên năm thứ nhất tại Trường Đại học Ngoại thương”
Nghiên cứu của TS. Nguyễn Mai Phương cho thấy, sinh viên năm nhất tại Trường Đại học Ngoại thương gặp khá nhiều khó khăn về tâm lý khi bước vào môi trường đại học, cụ thể như: Một số bạn gặp vấn đề trong việc quản lý thời gian; Tình trạng căng thẳng, lo âu, thiếu kỹ năng học tập, dễ mất bình tĩnh khi gặp khó khăn,… Những khó khăn này xuất phát từ việc chưa quen với môi trường học tập mới, thiếu phương pháp học tập phù hợp, thiếu kinh nghiệm sống độc lập và áp lực về tâm lý.
Sau khi nghiên cứu và phân tích những kết quả đó, TS. Nguyễn Mai Phương đã đề xuất một số giải pháp cụ thể như sau: Đối với Nhà trường và các khoa chuyên môn và giảng viên, tổ chức các buổi giao lưu định kỳ để chia sẻ kinh nghiệm từ sinh viên các khóa trên; Giảng viên cần quan tâm, hướng dẫn và chia sẻ về phương pháp học tập, đặc biệt cần chú trọng vai trò của cố vấn học tập trong việc tìm hiểu và tư vấn tâm lý cho sinh viên; Đối với sinh viên, việc tự chủ và chủ động trong học tập là yếu tố then chốt. Điều này bắt đầu từ việc xác định rõ ràng mục tiêu và kế hoạch học tập, từ đó tạo động lực và định hướng cho bản thân. Sinh viên cần tích cực tham gia vào các hoạt động học tập, chủ động tìm kiếm kiến thức và đặt câu hỏi cho giảng viên về những nội dung chưa rõ. Đồng thời, việc trao đổi và thảo luận với bạn bè trong lớp không chỉ giúp củng cố kiến thức mà còn tạo ra môi trường học tập năng động và hỗ trợ lẫn nhau.


Tọa đàm còn được nghe tham luận: “Trí tuệ cảm xúc và thực hành nâng cao trí tuệ cảm xúc cho sinh viên Trường Đại học Ngoại thương” của TS. Ngô Thị Như, giảng viên Bộ môn Khoa học Nhân văn và Hành vi, Khoa KHCT và NV, trường ĐHNT
Trong phần chia sẻ của mình, TS. Ngô Thị Như nhấn mạnh rằng, trí tuệ cảm xúc đóng vai trò then chốt trong việc định hình thành công và hạnh phúc của mỗi cá nhân. Nó không chỉ cải thiện hiệu suất làm việc, tăng cường sức khỏe tinh thần và thể chất, mà còn nuôi dưỡng tâm hồn và mở rộng các mối quan hệ xã hội. Đặc biệt, đối với sinh viên, việc rèn luyện trí tuệ cảm xúc mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Cụ thể, nó giúp cải thiện kỹ năng học tập, xây dựng mối quan hệ tốt đẹp, thích nghi với môi trường mới và phát triển nghề nghiệp. Do đó, để nâng cao trí tuệ cảm xúc, mỗi người cần tập trung vào việc tự nhận thức và quản lý cảm xúc của bản thân, đồng thời tăng cường khả năng đồng cảm với mọi người.


Sau phần trình bày của các diễn giả, buổi Tọa đàm chuyển sang phần hỏi đáp, nơi sinh viên và giảng viên đặt câu hỏi trực tiếp cho các chuyên gia tâm lý học. Phần trao đổi diễn ra sôi nổi, giúp người tham dự hiểu sâu hơn về các vấn đề tâm lý được đề cập.
💪Buổi Tọa đàm kết thúc với những chia sẻ bổ ích về tâm lý học, mang đến cho giảng viên và sinh viên Khoa Khoa học Chính trị và Nhân văn có thêm những kiến thức và khả năng vận dụng những kiến thức tâm lý học vào giảng dạy và học tập. Đặc biệt, sự kiện này là một cơ hội tuyệt vời để các bạn sinh viên ngành Kinh tế Chính trị Quốc tế tại Trường Đại học Ngoại thương có thể xác định được mình là ai, mình cần gì, và quan trọng hơn cả là giúp các bạn nhận thức được điểm mạnh, điểm yếu và từ đó giúp họ định hướng được nghề nghiệp tương lai của bản thân.