QUAN HỆ HOA KỲ-TRUNG QUỐC (1949-2023)-PHẦN 4

THỜI KỲ TỔNG THỐNG DONALD TRUMP NẮM QUYỀN

Ngày 9/2/2017
Donald Trump xác nhận chính sách một Trung Quốc sau khi dấy lên nghi ngờ

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cho biết ông sẽ tôn trọng chính sách Một Trung Quốc trong cuộc điện đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình. Sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống, Trump đã phá vỡ thông lệ đã có bằng cách nói chuyện qua điện thoại với Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn và đặt câu hỏi về cam kết của Hoa Kỳ đối với chính sách Một Trung Quốc. Chính sách của Washington trong bốn thập kỷ đã công nhận rằng chỉ có một Trung Quốc. Theo chính sách này, Hoa Kỳ duy trì quan hệ chính thức với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa nhưng cũng duy trì quan hệ không chính thức với Đài Loan, bao gồm cả việc cung cấp viện trợ quốc phòng. Ngoại trưởng Rex Tillerson, đến thăm Bắc Kinh vào tháng 3, mô tả mối quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc là mối quan hệ “được xây dựng trên cơ sở không đối đầu, không xung đột, tôn trọng lẫn nhau và luôn tìm kiếm các giải pháp đôi bên cùng có lợi”.

Ngày 6-7/4/2017
Donald Trump tiếp đón Tập Cận Bình tại Mar-a-Lago

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp mặt ở Florida

Tổng thống Trump chào đón ông Tập Cận Bình trong một hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở Florida, hội nghị thượng đỉnh tập trung vào thương mại song phương và vấn đề Triều Tiên. Sau đó, Donald Trump đã ca ngợi “tiến bộ to lớn” trong mối quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc và ông Tập Cận Bình cho rằng đã có sự hiểu biết sâu sắc hơn cũng như việc xây dựng lòng tin tốt hơn. Vào giữa tháng 5, Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Wilbur Ross công bố một thỏa thuận gồm 10 phần giữa Bắc Kinh và Washington nhằm mở rộng thương mại các sản phẩm và dịch vụ như thịt bò, gia cầm và thanh toán điện tử. Wilbur Ross mô tả mối quan hệ song phương là “đạt một tầm cao mới”, mặc dù hai quốc gia đã không giải quyết được các vấn đề thương mại gây tranh cãi hơn bao gồm nhôm, phụ tùng ô tô và thép.

Ngày 22/3/ 2018
Thuế quan nhằm vào Trung Quốc của tổng thống Donald Trump

Một công nhân làm việc tại nhà máy điện tử ở Thanh Đảo

Chính quyền Trump tuyên bố áp thuế quan đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc, trị giá ít nhất 50 tỷ đô la, để đáp lại những gì Nhà Trắng cáo buộc Trung Quốc liên quan đến hành vi trộm cắp công nghệ và sở hữu trí tuệ của Hoa Kỳ. Sau khi áp thuế quan đối với thép và nhôm nhập khẩu, các biện pháp này nhằm vào hàng hóa bao gồm quần áo, giày dép và đồ điện tử, đồng thời hạn chế một số khoản đầu tư của Trung Quốc vào Hoa Kỳ. Trung Quốc áp đặt các biện pháp trả đũa vào đầu tháng 4/2018 đối với một loạt sản phẩm của Hoa Kỳ, điều này làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Động thái này đánh dấu sự cứng rắn trong cách tiếp cận của Tổng thống Trump đối với Trung Quốc sau các hội nghị thượng đỉnh cấp cao với Chủ tịch Tập Cận Bình vào tháng 4 và tháng 11/2017.

Ngày 6/7/2018
Chiến tranh thương mại Hoa Kỳ-Trung Quốc leo thang

Chính quyền Trump áp đặt mức thuế mới với tổng trị giá 34 tỷ đô la vào hàng hóa Trung Quốc. Hơn 800 sản phẩm của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghiệp và vận tải, cũng như hàng hóa như tivi và thiết bị y tế, sẽ phải đối mặt với mức thuế nhập khẩu 25%. Trung Quốc trả đũa với mức thuế quan riêng đối với hơn 500 sản phẩm của Hoa Kỳ. Sự trả đũa này, trị giá cũng khoảng 34 tỷ đô la, nhằm vào các mặt hàng như thịt bò, sản phẩm từ sữa, hải sản và đậu nành. Tổng thống Trump và các thành viên trong chính quyền của ông tin rằng Trung Quốc đang “gian lận” với Hoa Kỳ, lợi dụng các quy tắc thương mại tự do để gây bất lợi cho các công ty Hoa Kỳ hoạt động tại Trung Quốc. Bắc Kinh chỉ trích các động thái của chính quyền Trump là “bắt nạt thương mại” và cảnh báo rằng thuế quan có thể gây ra bất ổn thị trường toàn cầu.

Ngày 4/10/ 2018
Bài phát biểu của Mike Pence thể hiện cách tiếp cận cứng rắn

Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence có bài phát biểu đánh dấu quan điểm rõ ràng nhất về chính sách của chính quyền Trump đối với Trung Quốc và sự cứng rắn của Hoa Kỳ. Pence cho biết Hoa Kỳ sẽ ưu tiên cạnh tranh hơn hợp tác bằng cách sử dụng thuế quan để chống lại “sự xâm lược kinh tế”. Ông cũng lên án hành động gây hấn quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc, đặc biệt là ở Biển Đông, chỉ trích việc chính phủ Trung Quốc gia tăng kiểm duyệt và đàn áp tôn giáo, đồng thời cáo buộc Trung Quốc đánh cắp tài sản trí tuệ của Mỹ và can thiệp vào các cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ. Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên án bài phát biểu của Pence là “những cáo buộc vô căn cứ” và cảnh báo rằng những hành động như vậy có thể gây tổn hại cho quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc.

Ngày 1/12/2018
Canada bắt giám đốc điều hành Huawei

Một người đàn ông cầm tấm biển bên ngoài tòa án Canada trong phiên điều trần tại ngoại cho Mạnh Vãn Chu

Mạnh Vãn Chu, giám đốc tài chính của công ty điện tử và viễn thông Trung Quốc Huawei, bị bắt ở Canada theo yêu cầu của Hoa Kỳ. Bộ Tư pháp Hoa Kỳ cáo buộc Huawei và bà Mạnh Vãn Chu đã vi phạm lệnh trừng phạt thương mại đối với Iran, đồng thời có hành vi gian lận và yêu cầu dẫn độ. Để trả đũa, Trung Quốc đã bắt giữ hai công dân Canada, những người mà các quan chức cáo buộc phá hoại an ninh quốc gia của Trung Quốc. Vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu được gọi là “sự cố chính trị nghiêm trọng”, các quan chức Trung Quốc yêu cầu thả bà ngay lập tức. Vào tháng 9/2021, bà Mạnh Vãn Chu đạt được thỏa thuận với các công tố viên Hoa Kỳ và được phép quay lại Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc cũng trả tự do cho hai người Canada.

Ngày 6/3/2019
Huawei kiện Hoa Kỳ

Chủ tịch luân phiên Guo Ping của Huawei phát biểu tại cuộc họp báo

Trong bối cảnh các thủ tục pháp lý chống lại bà Mạnh Vãn Chu, Huawei kiện Hoa Kỳ trong một vụ kiện riêng cấm các cơ quan chính quyền liên bang của Hoa Kỳ sử dụng thiết bị của gã khổng lồ viễn thông. Trong cuộc chiến với Bắc Kinh để giành ưu thế về công nghệ, chính quyền Trump đã phát động một chiến dịch tích cực cảnh báo các quốc gia khác không sử dụng thiết bị Huawei để xây dựng mạng 5G, tuyên bố rằng chính phủ Trung Quốc có thể sử dụng công ty này để do thám.

Ngày 10/5/2019
Chiến tranh thương mại gia tăng

Thị trường Mỹ sụt giảm khi chiến tranh thương mại leo thang trong tháng 5

Sau khi các cuộc đàm phán thương mại đổ vỡ, chính quyền Trump tăng thuế từ 10 lên 25% đối với hàng hóa trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc. Trung Quốc trả đũa bằng cách công bố kế hoạch tăng thuế đối với hàng hóa trị giá 60 tỷ USD của Hoa Kỳ. Tổng thống Trump nói rằng ông tin rằng chi phí cao do thuế quan áp đặt sẽ buộc Trung Quốc phải thực hiện một thỏa thuận có lợi cho Hoa Kỳ, trong khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng Hoa Kỳ có “những kỳ vọng quá mức”. Vài ngày sau, chính quyền Trump cấm các công ty Hoa Kỳ sử dụng thiết bị viễn thông do nước ngoài sản xuất, những thiết bị này có thể đe dọa an ninh quốc gia, một động thái được cho là nhằm vào Huawei. Bộ Thương mại Hoa Kỳ cũng bổ sung Huawei vào danh sách đen đối tượng nước ngoài.

Ngày 5/8/2019
Hoa Kỳ gọi Trung Quốc là kẻ thao túng tiền tệ

Sau khi ngân hàng trung ương Trung Quốc để đồng nhân dân tệ suy yếu đáng kể, chính quyền Trump đã gọi Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ. Việc gọi tên như vậy được áp dụng cho Trung Quốc lần đầu tiên kể từ năm 1994, chủ yếu mang tính tượng trưng, nhưng nó được đưa ra chưa đầy một tuần sau khi Trump công bố mức thuế cao hơn đối với hàng hóa trị giá 300 tỷ đô la. Điều đó có nghĩa là mọi thứ mà Hoa Kỳ nhập khẩu từ Trung Quốc đều phải đối mặt với thuế. Bắc Kinh cảnh báo rằng việc gọi tên này sẽ “gây ra sự hỗn loạn trên thị trường tài chính”.

Ngày 27/11/2019
Donald Trump ký dự luật ủng hộ người biểu tình Hong Kong

Người biểu tình cầm cờ Mỹ ở Hồng Kông vào ngày 28 /11/2019

Tổng thống Trump ký Đạo luật Dân chủ và Nhân quyền Hồng Kông sau khi nó được thông qua tại Quốc hội Hoa Kỳ với đa số áp đảo. Pháp chế này cho phép Hoa Kỳ xử phạt các cá nhân chịu trách nhiệm về các vi phạm nhân quyền ở Hồng Kông. Nó cũng yêu cầu các quan chức Hoa Kỳ đánh giá hàng năm liệu Hồng Kông có được hưởng “mức độ tự trị cao” từ Bắc Kinh hay không. Nhiều người biểu tình ủng hộ dân chủ, những người đã biểu tình từ tháng 6, đã ăn mừng dự luật được thông qua. Các quan chức Trung Quốc lên án động thái này, áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một số tổ chức có trụ sở tại Hoa Kỳ và đình chỉ các chuyến thăm của tàu chiến Hoa Kỳ tới Hồng Kông.

Ngày 15/1/2020
Thỏa thuận thương mại “Giai đoạn 1” đã được ký kết

Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt tay sau khi ký thỏa thuận “Giai đoạn 1”

Tổng thống Trump và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc ký thỏa thuận, đây là một bước đột phá trong cuộc chiến thương mại kéo dài gần hai năm giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Thỏa thuận này đã nới lỏng một số thuế quan của Hoa Kỳ đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và cam kết Trung Quốc mua thêm hàng hóa của Hoa Kỳ trị giá 200 tỷ USD, bao gồm các sản phẩm nông nghiệp và ô tô trong vòng hai năm. Trung Quốc cũng cam kết thực thi các biện pháp bảo vệ sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên thỏa thuận này vẫn duy trì hầu hết các mức thuế và không đề cập đến các khoản trợ cấp lớn của chính phủ Trung Quốc, đây là mối quan tâm lâu dài của Hoa Kỳ, mặc dù Trump nói rằng những điều này có thể được giải quyết trong một thỏa thuận trong tương lai. Vài ngày trước khi ký kết, Hoa Kỳ đã bỏ việc gọi tên Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ.

Ngày 31/1/2020
Căng thẳng gia tăng giữa đại dịch COVID-19

Một sĩ quan cảnh sát bảo vệ một chợ động vật ở Vũ Hán, Trung Quốc, nơi một loại virus Corona mới được báo cáo vào tháng một

Chính quyền Trump cấm tất cả những công dân không phải là công dân Hoa Kỳ, người mà gần đây đã đến thăm Trung Quốc đại lục vào Hoa Kỳ trong bối cảnh bùng phát một loại coronavirus mới được báo cáo lần đầu tiên tại thành phố Vũ Hán của Trung Quốc. Đến tháng 3, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xác định sự bùng phát này là một đại dịch, sau khi nó lan rộng ra hơn một trăm quốc gia. Các quan chức hàng đầu ở cả Trung Quốc và Hoa Kỳ đổ lỗi cho phía bên kia về đại dịch. Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố mà không có bằng chứng rằng quân đội Hoa Kỳ đã mang vi-rút đến Trung Quốc, trong khi Tổng thống Trump liên tục nhắc đến “vi-rút Trung Quốc”, ông cho rằng sự lây lan này là do những thất bại của chính phủ Trung Quốc. Vào tháng 4, các quan chức hàng đầu của cả hai nước đã thay đổi giọng điệu bằng cách nêu bật các lĩnh vực cần hợp tác trong bối cảnh khủng hoảng. Tuy nhiên, Trump đổ lỗi cho WHO vì đã thiên vị Trung Quốc và tạm thời dừng tài trợ của Hoa Kỳ cho tổ chức này.

Ngày 18/3/ 2020
Trung Quốc trục xuất nhà báo Hoa Kỳ

Các phóng viên của Wall Street Journal tạo dáng chụp ảnh trước khi khởi hành từ Sân bay Quốc tế Thủ đô Bắc Kinh

Chính phủ Trung Quốc trục xuất ít nhất 13 nhà báo của ba tờ báo Hoa Kỳ: New York Times, Wall Street Journal và Washington Post, giấy chứng nhận báo chí của các tờ báo này sẽ hết hạn vào năm 2020. Bắc Kinh cũng yêu cầu những tờ báo đó, cũng như Đài tiếng nói Hoa Kỳ, chia sẻ thông tin với chính phủ về hoạt động của họ ở Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết các động thái này nhằm đáp lại quyết định của chính phủ Hoa Kỳ hồi đầu năm về hạn chế số lượng nhà báo Trung Quốc của 5 cơ quan truyền thông nhà nước ở Hoa Kỳ, giảm từ 160 nhân viên xuống còn 100 nhân viên và gọi tên những cơ quan truyền thông đó là phái đoàn ngoại giao. Tháng 11/2021, Washington và Bắc Kinh đồng ý nới lỏng các hạn chế đối với các nhà báo làm việc tại hai quốc gia này.

Ngày 14/7/2020
Donald Trump chấm dứt tình trạng đặc biệt của Hồng Kông

Cảnh sát chống bạo động bắt giữ một người đàn ông sau khi giải tán cuộc biểu tình phản đối luật an ninh quốc gia mới ở Hồng Kông

Hai tuần sau khi Bắc Kinh thông qua luật an ninh quốc gia mới cho Hồng Kông, Tổng thống Trump đã ký một sắc lệnh chấm dứt ưu đãi thương mại đối với thành phố này với Hoa Kỳ. Ông cũng ký luật xử phạt các quan chức và doanh nghiệp làm suy yếu các quyền tự do và quyền tự trị của Hồng Kông. Các quan chức Trung Quốc đe dọa sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt trả đũa đối với các cá nhân và tổ chức của Hoa Kỳ. Trung Quốc lên án sự can thiệp của Hoa Kỳ vào công việc nội bộ của Trung Quốc, bao gồm cả tuyên bố của Washington một ngày trước đó rằng hầu hết các yêu sách của Bắc Kinh ở Biển Đông là bất hợp pháp.

Ngày 22/7/2020
Hoa Kỳ, Trung Quốc đóng cửa lãnh sự quán khi leo thang ngoại giao

Một công nhân gỡ tấm bảng khỏi lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Thành Đô

Hoa Kỳ ra lệnh cho Trung Quốc đóng cửa lãnh sự quán ở Houston, Texas, cáo buộc rằng đây là một trung tâm gián điệp và trộm cắp tài sản trí tuệ. Trung Quốc lên án lệnh này và trả đũa bằng cách đóng cửa lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Thành Đô. Trong cùng tuần, Washington truy tố hai tin tặc Trung Quốc vì cáo buộc ăn cắp nghiên cứu vắc-xin phòng Covid-19 và trừng phạt 11 công ty Trung Quốc vì liên quan đến các vụ vi phạm nhân quyền ở Tân Cương. Trong khi đó, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đổ lỗi cho Hoa Kỳ gây căng thẳng.

Ngày 23/7/2020
Mike Pompeo nói rằng cam kết với Trung Quốc đã thất bại

Ngoại trưởng Pompeo phát biểu tại Thư viện và Bảo tàng Tổng thống Richard Nixon ở California

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo có bài phát biểu với tựa đề “Trung Quốc Cộng sản và Tương lai của Thế giới Tự do,” báo hiệu một sự thay đổi sâu sắc trong chính sách của Hoa Kỳ. Ông tuyên bố rằng kỷ nguyên của sự cam kết với Đảng Cộng sản Trung Quốc đã kết thúc, lên án các hoạt động thương mại không công bằng, trộm cắp tài sản trí tuệ, vi phạm nhân quyền ở Tân Cương và Hồng Kông, cũng như các động thái gây hấn ở Biển Hoa Đông và Biển Đông. Ông kêu gọi công dân Trung Quốc và các nền dân chủ trên toàn thế giới gây sức ép lên Bắc Kinh để họ thay đổi hành vi và tôn trọng trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.

Tháng 11-12/ 2020
Donald Trump gia tăng áp lực khi chuyển giao nhiệm kỳ tổng thống

Tổng thống Trump cố gắng củng cố di sản bằng những chính sách cứng rắn với Trung Quốc trong những tuần cuối cùng tại nhiệm. Giám đốc Tình báo Quốc gia John Ratcliffe gọi Trung Quốc là “mối đe dọa lớn nhất đối với nước Mỹ hiện nay”, trong khi đó Bộ Thương mại bổ sung hàng chục công ty Trung Quốc, bao gồm cả nhà sản xuất chip lớn nhất của quốc gia này, Tập đoàn Sản xuất Chất bán dẫn Quốc tế (SMIC), vào danh sách đen thương mại của Hoa Kỳ. Bộ Ngoại giao thắt chặt các quy định về thị thực đối với khoảng 90 triệu thành viên Đảng Cộng sản Trung Quốc. Hoa Kỳ cũng trừng phạt nhiều quan chức Trung Quốc hơn, bao gồm mười bốn thành viên của cơ quan lập pháp Trung Quốc, vì các hành vi lạm dụng ở Hồng Kông, Tân Cương và các nơi khác. Ngoài ra, Nhà Trắng cấm đầu tư của Hoa Kỳ vào các công ty Trung Quốc mà họ cho là có quan hệ với Quân đội Giải phóng Nhân dân. Các quan chức Trung Quốc cam kết sẽ trả đũa những điều này và các hành động khác mà chính quyền Trump thực hiện.

Ngày 21/1/2021
Hoa Kỳ cáo buộc việc lạm dụng người Duy Ngô Nhĩ của Trung Quốc là tội ác diệt chủng

Người dân tham gia một cuộc biểu tình ở Washington, DC, để khuyến khích các nước coi cách đối xử của Trung Quốc với người Duy Ngô Nhĩ là tội diệt chủng

Vào ngày cuối cùng tại vị của Trump, ông Pompeo tuyên bố rằng Trung Quốc đang phạm tội ác chống lại loài người và tội ác diệt chủng đối với người Duy Ngô Nhĩ, một nhóm dân tộc Hồi giáo chủ yếu đến từ khu vực Tân Cương của Trung Quốc. Hoa Kỳ là quốc gia đầu tiên áp dụng các điều khoản đối với các hành vi lạm dụng mà chính phủ Trung Quốc đã phạm phải trong vài năm qua. Chính phủ Trung Quốc phủ nhận nạn diệt chủng đang diễn ra. Vào cuối năm 2021, Chính quyền Joe Biden khẳng định tuyên bố của Pompeo và cấm tất cả hàng nhập khẩu từ Tân Cương.

Nguồn: Council on Foreign Relations