QUAN HỆ HOA KỲ-TRUNG QUỐC (1949-2023)-PHẦN 3

Tháng 8/2010
Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới

Một công nhân xây dựng đi bộ giữa các khu chung cư cao tầng ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc

Trung Quốc vượt qua Nhật Bản và trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau khi được định giá 1,33 nghìn tỷ USD trong quý 2 năm 2010, cao hơn một chút so với 1,28 nghìn tỷ USD của Nhật Bản trong năm đó. Theo chuyên gia kinh tế trưởng của Goldman Sachs, Jim O’Neill, Trung Quốc đang trên đà vượt Mỹ trở thành nền kinh tế số một thế giới vào năm 2027. Đầu năm 2011, Trung Quốc báo cáo tổng GDP là 5,88 nghìn tỷ USD cho năm 2010, so với 5,47 nghìn tỷ USD của Nhật Bản.

Tháng 11/2011
Hoa Kỳ “xoay trục” sang Châu Á

Trong một bài luận về Chính sách đối ngoại, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton phác thảo một chính sách “xoay trục” sang châu Á của Hoa Kỳ. Lời kêu gọi của Clinton về “tăng cường đầu tư – ngoại giao, kinh tế, chiến lược và các mặt khác – trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương” được xem như một động thái nhằm chống lại ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Tháng 11/2011, tại hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tuyên bố Hoa Kỳ và tám quốc gia khác đã đạt được thỏa thuận về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương-một hiệp định thương mại tự do đa quốc gia. Sau đó, Obama công bố kế hoạch triển khai 2.500 lính thủy đánh bộ ở Úc, điều này đã nhận chỉ trích từ Bắc Kinh.

Tháng 2/2012
Căng thẳng thương mại gia tăng

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama công bố những nỗ lực mới nhằm thực thi các quyền thương mại của Hoa Kỳ tại Trung Quốc.

Thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ với Trung Quốc tăng từ 273,1 tỷ đô la năm 2010 lên mức cao chưa từng có là 295,5 tỷ đô la vào năm 2011. Mức tăng này chiếm 3/4 mức tăng thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ trong năm 2011. Tháng 3/2011, Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản nộp “yêu cầu tham vấn” với Trung Quốc tại Tổ chức Thương mại Thế giới về những hạn chế của quốc gia này đối với việc xuất khẩu kim loại đất hiếm. Hoa Kỳ và đồng minh cho rằng hạn ngạch của Trung Quốc vi phạm các quy tắc thương mại quốc tế, buộc các công ty đa quốc gia sử dụng những kim loại này phải chuyển đến Trung Quốc. Trung Quốc cho rằng động thái này là “liều lĩnh và không công bằng”, đồng thời tuyên bố sẽ bảo vệ quyền lợi của quốc gia trong các tranh chấp thương mại.

Tháng 4/2012
Nhà bất đồng chính kiến đào thoát vào Đại sứ quán Hoa Kỳ

Nhà hoạt động Trần Quang Thành được vợ giúp đỡ khi đến New York

Trần Quang Thành, nhà bất đồng chính kiến khiếm thị của Trung Quốc, đã trốn thoát khỏi sự quản thúc tại gia ở tỉnh Sơn Đông vào 22/4/2012 và trốn đến đại sứ quán Hoa Kỳ ở Bắc Kinh. Các nhà ngoại giao Hoa Kỳ đàm phán một thỏa thuận với các quan chức Trung Quốc cho phép Trần Quang Thành ở lại Trung Quốc và học luật tại một thành phố gần thủ đô. Tuy nhiên, sau khi Trần Quang Thành chuyển đến Bắc Kinh, ông ta đổi ý và xin được trú ẩn ở Hoa Kỳ. Điều này có nguy cơ làm suy yếu quan hệ ngoại giao Hoa Kỳ-Trung Quốc, nhưng cả hai bên đều ngăn chặn cuộc khủng hoảng bằng cách cho phép Trần Quang Thành đến thăm Hoa Kỳ với tư cách là một sinh viên, thay vì với tư cách là một người xin tị nạn.

Tháng 11/2012
Nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc

Ông Tập Cận Bình (hàng đầu, thứ ba từ trái sang) và các đại biểu khác bỏ phiếu trong Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 18 ở Bắc Kinh.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XVIII kết thúc với sự thay đổi lãnh đạo quan trọng nhất trong nhiều thập kỷ khi khoảng 70% thành viên của các cơ quan lãnh đạo chính của nhà nước: Ban Thường vụ Bộ Chính trị, Ủy ban Quân sự Trung ương và Hội đồng Nhà nước được thay thế. Lý Khắc Cường đảm nhận vai trò thủ tướng, trong khi Tập Cận Bình thay thế Hồ Cẩm Đào làm chủ tịch nước, tổng bí thư Đảng Cộng sản và chủ tịch Ủy ban Quân sự Trung ương. Tập Cận Bình đưa ra một loạt các bài phát biểu về “trẻ hóa” của Trung Quốc.

Ngày 7 – 8 /6/2013
Hội nghị thượng đỉnh Sunnylands

Tập Cận Bình và Obama đi bộ trong khuôn viên Sunnylands ở Rancho Mirage, California

Tổng thống Obama tiếp Chủ tịch Tập Cận Bình trong một “ hội nghị thượng đỉnh thân mật” tại Sunnylands Estate ở California trong nỗ lực xây dựng mối quan hệ cá nhân với ông Tập và xoa dịu quan hệ căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Hai nhà lãnh đạo cam kết hợp tác hiệu quả hơn trong các vấn đề song phương, khu vực và những vấn đề toàn cầu, bao gồm biến đổi khí hậu và Triều Tiên. Obama và Tập Cận Bình cũng cam kết sẽ thiết lập một “mô hình quan hệ mới”, đồng ý với khái niệm của Tập Cận Bình về việc thiết lập một “quan hệ cường quốc kiểu mới” cho Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Ngày 19/6/2014
Hoa Kỳ truy tố công dân Trung Quốc

Một tòa án Hoa Kỳ truy tố năm tin tặc Trung Quốc, được cho là có quan hệ với Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, với tội danh đánh cắp công nghệ thương mại từ các công ty Hoa Kỳ. Đáp lại, Bắc Kinh đình chỉ hợp tác trong nhóm làm việc về an ninh mạng Hoa Kỳ-Trung Quốc. Vào tháng 6/2015, các nhà chức trách Hoa Kỳ cho rằng có bằng chứng cho thấy tin tặc Trung Quốc đứng sau vụ rò rỉ dữ liệu của Văn phòng Quản lý Nhân sự và đánh cắp dữ liệu của 22 triệu nhân viên liên bang chính thức.

Ngày 12/11/2014
Thỏa thuận về khí hậu

Obama và Tập Cận Bình bắt tay trong hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Bắc Kinh

Bên lề hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương 2014, Tổng thống Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra tuyên bố chung về biến đổi khí hậu, cam kết giảm lượng khí thải carbon. Obama đặt mục tiêu tham vọng hơn cho việc cắt giảm khí thải của Hoa Kỳ, và Tập Cận Bình đưa ra lời hứa đầu tiên của Trung Quốc là hạn chế sự gia tăng lượng khí thải carbon vào 2030. Những cam kết của các nước gây ô nhiễm hàng đầu thế giới đã tạo ra những hy vọng cho một số chuyên gia rằng các quốc gia sẽ thúc đẩy các cuộc đàm phán toàn cầu trước khi Hội nghị về biến đổi khí hậu do Liên hợp quốc chủ trì tại Paris vào năm 2015.

Ngày 30/5/2015
Mỹ cảnh báo Trung Quốc về Biển Đông

Tại Đối thoại Shangri-La về an ninh châu Á thường niên lần thứ 14, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ashton Carter yêu cầu Trung Quốc chấm dứt nỗ lực cải tạo đất gây tranh cãi ở Biển Đông, đồng thời khẳng định rằng Hoa Kỳ phản đối “bất kỳ hoạt động quân sự” đối với vùng lãnh thổ đang tranh chấp. Trước thềm hội nghị, các quan chức Mỹ nói rằng những hình ảnh do hải quân Mỹ giám sát đã cung cấp bằng chứng cho thấy Trung Quốc đang đặt thiết bị quân sự trên một chuỗi đảo nhân tạo, mặc dù Bắc Kinh tuyên bố rằng hoạt động xây dựng này chủ yếu phục vụ mục đích dân sự.

Nguồn: Council on Foreign Relations