QUAN HỆ HOA KỲ-TRUNG QUỐC (1949-2023) – PHẦN 1

Hoa Kỳ và Trung Quốc là một trong những mối quan hệ song phương quan trọng và phức tạp nhất thế giới. Kể từ năm 1949, hai quốc gia này đã trải qua các giai đoạn vừa căng thẳng vừa hợp tác về các vấn đề bao gồm thương mại, biến đổi khí hậu và Đài Loan.

Tháng 10/1949
Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập

Đám đông trưng bày áp phích của nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc Mao Trạch Đông trong lễ kỷ niệm chiến thắng của đảng

Lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc Mao Trạch Đông thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Bắc Kinh vào ngày 1/10 sau khi những người Cộng sản được nông dân hậu thuẫn đánh bại chính phủ Trung Hoa Dân Quốc của Tưởng Giới Thạch. Tưởng Giới Thạch và hàng ngàn binh sỹ chạy sang Đài Loan. Hoa Kỳ, quốc gia đã ủng hộ những người theo chủ nghĩa Dân tộc chống lại các lực lượng Nhật Bản xâm lược trong Thế chiến II, nay ủng hộ chính phủ Trung Hoa Dân Quốc lưu vong của Tưởng Giới Thạch ở Đài Bắc, khiến quan hệ của Hoa Kỳ với Trung Quốc đại lục bị hạn chế trong nhiều thập kỷ.

Tháng 6/1950
Chiến tranh Triều Tiên bùng nổ

Những người tị nạn Triều Tiên chặn một cây cầu ở phía nam Seoul khi họ chạy trốn khỏi những người Cộng sản

Quân đội Nhân dân Triều Tiên do Liên Xô hậu thuẫn xâm lược Hàn Quốc vào 25/6. Liên Hợp Quốc và Hoa Kỳ gấp rút bảo vệ Hàn Quốc. Trung Quốc, ủng hộ Đảng cộng sản Triều Tiên, nhằm trả đũa khi quân đội Hoa Kỳ, Liên Hợp Quốc và Hàn Quốc tiếp cận biên giới Trung Quốc. Có tới bốn triệu người chết trong cuộc xung đột kéo dài ba năm cho đến khi Liên Hợp Quốc, Trung Quốc và Triều Tiên ký thỏa thuận đình chiến vào năm 1953.

Tháng 8/1954
Khủng hoảng eo biển Đài Loan lần thứ nhất

Những người lính Trung Quốc theo Chủ nghĩa dân tộc dỡ đạn dược trên quần đảo Kim Môn.

Tổng thống Dwight Eisenhower gỡ bỏ lệnh phong tỏa hải quân Hoa Kỳ đối với Đài Loan vào năm 1953, điều này dẫn đến việc Tưởng Giới Thạch triển khai hàng nghìn binh sĩ đến hai đảo Kim Môn và Mã Tổ ở eo biển Đài Loan vào tháng 8/1954. Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đại lục đáp trả bằng cách pháo kích vào hai hòn đảo này. Washington ký một hiệp ước phòng thủ chung với Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch. Vào mùa xuân năm 1955, Hoa Kỳ đe dọa tấn công hạt nhân vào Trung Quốc. Vào tháng 4 cùng năm, Trung Quốc đồng ý đàm phán, tuyên bố giành chiến thắng hạn chế sau khi Quốc dân đảng rút khỏi đảo Dachen. Các cuộc khủng hoảng tiếp tục nổ ra vào năm 1956 và 1996.

Tháng 3/1959
Khởi nghĩa Tây Tạng

Hàng nghìn người phản đối việc Trung Quốc chiếm đóng Tây Tạng trước cung điện của Đức Đạt Lai Lạt Ma

Chín năm sau khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa khẳng định quyền kiểm soát Tây Tạng, một cuộc nổi dậy lan rộng đã xảy ra ở Lhasa. Cuộc đàn áp sau đó của các lực lượng Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã khiến hàng nghìn người chết và Đạt Lai Lạt Ma phải chạy trốn sang Ấn Độ. Hoa Kỳ cùng với Liên Hợp Quốc lên án Bắc Kinh vi phạm nhân quyền ở Tây Tạng, trong khi Cục Tình báo Trung ương (Hoa Kỳ) hỗ trợ vũ trang cho cuộc kháng chiến của người Tây Tạng bắt đầu từ cuối những năm 1950.

Tháng 10/1964
Trung Quốc thử bom nguyên tử đầu tiên

Khói bốc lên từ vụ thử hạt nhân của Trung Quốc ở sa mạc Gobi

Trung Quốc gia nhập “câu lạc bộ hạt nhân” vào tháng 10/1964 khi tiến hành vụ thử bom nguyên tử đầu tiên. Cuộc thử nghiệm diễn ra trong bối cảnh căng thẳng Hoa Kỳ-Trung Quốc về cuộc xung đột leo thang ở Việt Nam. Vào thời điểm thử nghiệm, Trung Quốc đã tập trung quân đội dọc theo biên giới với Việt Nam.

Tháng 3 năm 1969
Xung đột biên giới Trung-Xô

Quân lính Trung Quốc triển khai gần biên giới Liên Xô

Sự khác biệt về an ninh, tư tưởng và mô hình phát triển làm căng thẳng quan hệ Trung-Xô. Các chính sách công nghiệp hóa cấp tiến của Trung Quốc, được gọi là Đại nhảy vọt, đã khiến Liên Xô phải rút cố vấn ra khỏi Trung Quốc vào năm 1960. Bất đồng lên đến đỉnh điểm trong các cuộc giao tranh biên giới vào tháng 3/1969. Moscow thay thế Washington trở thành mối đe dọa lớn nhất của Trung Quốc và sự chia rẽ giữa Trung Quốc và Liên Xô góp phần vào việc xích lại gần nhau của Bắc Kinh với Hoa Kỳ.

Tháng 4/1971
Ngoại giao bóng bàn

Glenn Cowan, một thành viên của đội bóng bàn Hoa Kỳ, vẫy tay chào các phóng viên sau khi vào Trung Quốc đại lục

Dấu hiệu công khai đầu tiên về mối quan hệ ấm lên giữa Washington và Bắc Kinh là khi đội bóng bàn của Trung Quốc mời các thành viên của đội tuyển Hoa Kỳ đến Trung Quốc vào ngày 6/4/1971. Các phòng viên tháp tùng tuyển thủ Hoa Kỳ nằm trong số những người Mỹ đầu tiên được phép vào Trung Quốc kể từ năm 1949. Tháng 7/1971, Ngoại trưởng Henry Kissinger thực hiện một chuyến thăm bí mật đến Trung Quốc. Ít lâu sau, Liên Hợp Quốc công nhận Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, trao cho Trung Quốc chiếc ghế thường trực trong Hội đồng Bảo an mà Trung Hoa Dân Quốc của Tưởng Giới Thạch đã nắm giữ kể từ năm 1945.

Tháng 2 /1972
Nixon thăm Trung Quốc

Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon thăm Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc

Tổng thống Richard Nixon dành tám ngày ở Trung Quốc vào tháng 2/1972, trong thời gian đó Tổng thống Nixon đã gặp Chủ tịch Mao Trạch Đông và ký Thông cáo chung Thượng Hải với Thủ tướng Chu Ân Lai. Thông cáo chung đã tạo tiền đề cho việc cải thiện mối quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc bằng cách cho phép Trung Quốc và Hoa Kỳ thảo luận về các vấn đề khó khăn, đặc biệt là Đài Loan. Tuy nhiên, quá trình bình thường hóa quan hệ giữa hai quốc gia tiến triển chậm trong suốt thập kỷ.

Năm 1979
Quan hệ chính thức và Chính sách Một Trung Quốc

Phó Thủ tướng Trung Quốc – Đặng Tiểu Bình thưởng thức cuộc đua ngựa ở Texas

Tổng thống Hoa Kỳ Jimmy Carter trao cho Trung Quốc sự công nhận ngoại giao đầy đủ, đồng thời thừa nhận nguyên tắc Một Trung Quốc của Trung Quốc đại lục và cắt đứt quan hệ với Đài Loan. Phó Thủ tướng Trung Quốc Đặng Tiểu Bình, người đã lãnh đạo Trung Quốc qua một loạt những cải cách kinh tế lớn, đã đến thăm Hoa Kỳ ngay sau đó. Tuy nhiên, vào tháng 4, Quốc hội thông qua Đạo luật Quan hệ Đài Loan, cho phép tiếp tục quan hệ thương mại và văn hóa giữa Hoa Kỳ và Đài Loan. Đạo luật này yêu cầu Washington cung cấp vũ khí phòng thủ cho Đài Bắc, nhưng không chính thức vi phạm chính sách Một Trung Quốc của Hoa Kỳ.

Tháng 7/1982
Trung Quốc trong thời kỳ Tổng thống Ronald Garena

Tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan và Chủ tịch Trung Quốc Lý Tiên Niệm duyệt binh danh dự ở Bắc Kinh

Chính quyền Ronald Reagan đưa ra “Sáu đảm bảo” cho Đài Loan, bao gồm các cam kết: tôn trọng Đạo luật Quan hệ Đài Loan, không làm trung gian hòa giải giữa Đài Loan và Trung Quốc, và không ấn định ngày chấm dứt việc bán vũ khí cho Đài Loan. Sau đó chính quyền Reagan đã ký một thông cáo chung thứ ba với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa để bình thường hóa quan hệ vào tháng 8/1982. Thông cáo chung này tái khẳng định cam kết của Hoa Kỳ đối với chính sách Một Trung Quốc. Mặc dù Tổng thống Reagan lên tiếng ủng hộ quan hệ chặt chẽ hơn với Đài Loan trong chiến dịch tranh cử tổng thống của mình, nhưng chính quyền của ông vẫn nỗ lực cải thiện quan hệ Bắc Kinh-Washington, đỉnh điểm khi Hoa Kỳ lo ngại về chủ nghĩa bành trướng của Liên Xô. Reagan đã đến thăm Trung Quốc vào tháng 4/1984 và sau đó vào tháng 6, chính phủ Hoa Kỳ cho phép Bắc Kinh mua thiết bị quân sự của Hoa Kỳ.

Nguồn: Council on Foreign Relations