6 CÁCH MÀ CUỘC CHIẾN TRANH GIỮA NGA VÀ UKRAINE ĐÃ ĐỊNH HÌNH LẠI THẾ GIỚI NĂNG LƯỢNG

Cuộc chiến giữa Nga và Ukraine từ tháng 2/2022 đã tác động mạnh mẽ đến thị trường năng lượng toàn cầu. Biến động giá cả, thiếu hụt nguồn cung, các vấn đề an ninh và sự bất định kinh tế là những nguyên nhân gây ra “cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu thực sự đầu tiên, với những tác động sẽ còn kéo dài trong nhiều năm tới” – theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).

Như thường lệ, các quốc gia nghèo hơn – trong đó nhiều quốc gia vẫn đang phục hồi sau những tác động của đại dịch toàn cầu – sẽ gánh chịu hậu quả tiêu cực của cuộc khủng hoảng năng lượng.

Việc định hình lại năng lượng toàn cầu có thể gây ra vô số hậu quả nhưng cũng có thể tạo ra sự phát triển tích cực. Tuy nhiên, với tình trạng thay đổi liên tục như vậy, rất khó để dự đoán một cách chắc chắn. IEA lưu ý, “nhiều diễn biến của thế giới mới vẫn chưa được xác định rõ, nhưng không có cách nào để mọi thứ quay trở lại như cũ”.

Dưới đây là sáu biểu đồ từ báo cáo về Triển vọng Năng lượng Thế giới năm 2022 của IEA để lý giải những sự thay đổi chính trong lĩnh vực năng lượng sau khi cuộc chiến nổ ra.

Giá năng lượng cao hơn

Việc giá năng lượng đang tăng có lẽ là thay đổi đáng chú ý nhất đối với hầu hết mọi người. IEA cho biết, chi phí nhiên liệu cao đóng góp 90% trong sự gia tăng chi phí trung bình cho sản xuất điện trên toàn thế giới.

Nguồn: IEA

Theo IEA, cùng với tác động của đại dịch toàn cầu, cuộc khủng hoảng năng lượng có thể làm cho 70 triệu người gần đây mới được sử dụng điện sẽ không còn đủ khả năng chi trả cho việc đó nữa và 100 triệu người có thể không còn khả năng chế biến thức ăn bằng nhiên liệu sạch mà thay vào đó là sử dụng nhiên liệu sinh khối.

Một khía cạnh tích cực và tiềm năng của việc giá nhiên liệu hóa thạch cao hơn đó là chúng đẩy nhanh việc hướng tới các giải pháp thay thế bền vững. Mặc dù đã nói như vậy, nhu cầu về an ninh năng lượng cũng có thể thúc đẩy việc đầu tư hơn nữa vào các dự án nhiên liệu hóa thạch.

Thay đổi dòng chảy thương mại và sự thiếu hụt nguồn cung

Nga đã cắt giảm khoảng 80% lưu lượng khí đốt đến EU trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 10 năm 2022, điều này khiến khối EU bị thiếu hụt đáng kể các nguồn năng lượng, và dẫn đến nhu cầu cấp thiết trong việc tìm nguồn năng lượng thay thế từ những nơi khác.

Nguồn: IEA

Trong khi nhiều đối tác quốc tế trước đây của Nga đã hạn chế hoặc cắt đứt mối quan hệ với nước này, Nga vẫn duy trì sản lượng và xuất khẩu dầu của mình ở gần mức trước khi cuộc chiến tranh nổ ra, bằng cách tăng xuất khẩu ở những nơi khác, bao gồm cả sang Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ.

Các thay đổi trong chính sách năng lượng

Sự thay đổi trong các tuyến thương mại năng lượng truyền thống khiến các quốc gia bị ảnh hưởng phải nhanh chóng tập hợp lại để tạo ra các chính sách năng lượng mới không chỉ ưu tiên an ninh năng lượng dài hạn mà còn cho phép đáp ứng nhu cầu năng lượng hiện tại trong ngắn hạn.

Nguồn: IEA

Các chính phủ cũng đang phát triển các lộ trình phù hợp để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, vì vậy các vấn đề do cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay gây ra cần được giải quyết gắn với mục tiêu đó. IEA cho biết, trong một số trường hợp cuộc khủng hoảng đang thúc đẩy các dự án năng lượng tái tạo phát triển chứ không phải thụt lùi, điển hình là Đạo luật giảm lạm phát của Hoa Kỳ (với nội dung lớn thứ năm là đầu tư cho năng lượng sạch và chống biến đổi khí hậu).

Tác động kinh tế của cuộc khủng hoảng năng lượng

Chi phí năng lượng cao hơn dẫn đến gia tăng giá hàng hóa và dịch vụ. Báo cáo cho biết lãi suất cao hơn cùng với thu thập thực tế giảm đang đẩy thế giới rơi vào suy thoái và số người tái nghèo đang gia tăng.

Nguồn: IEA

Khi nhiều quốc gia tìm cách tăng chi phí vay vốn để chống lại lạm phát, các dự án năng lượng sạch cần tài chính có thể bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế.

Khí thải đang bị ảnh hưởng như thế nào?

Một số quốc gia đang đẩy nhanh các mục tiêu phát thải của họ, trong khi một số khác đang tăng cường sử dụng than, và một số quốc gia đang thực hiện cả hai cùng một lúc. Tác động lâu dài của cuộc khủng hoảng năng lượng đối với khí thải là không rõ ràng, nhiều người lo ngại về tác động của nó đối với các kế hoạch đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Tuy nhiên, IEA cho rằng mặc dù lượng khí thải CO2 sẽ tiếp tục tăng vào năm 2022, nhưng theo các dự báo, mức tăng này chỉ cao hơn chưa đến 1% so với năm 2021, chủ yếu nhờ sự gia tăng nhanh chóng của năng lượng tái tạo và việc sử dụng xe điện.

Nguồn: IEA

Thúc đẩy năng lượng tái tạo

Nguồn: IEA

Mối quan hệ rạn nứt giữa Nga và các khách hàng năng lượng đã nhanh chóng thu hút sự chú ý vào việc duy trì an ninh năng lượng. Có một cơ cấu năng lượng bền vững và đa dạng là trọng tâm của các chính sách an ninh năng lượng. IEA cho biết, có thể cuộc khủng hoảng sẽ đẩy nhanh việc chuyển sang sử dụng các loại nhiên liệu bền vững nhiều hơn.
Tuy nhiên điều này vẫn chưa rõ ràng, và triển vọng kinh tế ảm đạm cũng như các lựa chọn chính sách ngắn hạn để đảm bảo năng lượng cho nhu cầu ngày nay có thể làm chậm xu hướng tiến tới năng lượng tái tạo.

Nguồn: World Economic Forum